Kỳ thi THPT quốc gia 2018 an toàn, nghiêm túc - dự kiến ngày 11/7 công bố điểm

(VOH) – Theo đánh giá từ các giáo viên, với phần thi Khoa học xã hội, đề thi môn Lịch sử đòi hỏi suy luận nhiều, trong khi đó, môn Địa lý khá nhẹ nhàng

Một số giáo viên đánh giá, đề Lịch sử lồng ghép các nội dung sự kiện khéo léo vào câu hỏi. Cấu trúc và hình thức ra đề không khác nhiều so với đề tham khảo. Đề gồm 40 câu, trong đó 20 câu đầu ở mức độ dễ nên nhiều học sinh sẽ kiếm trọn điểm. Thế nhưng càng về sau mức độ phân hóa rõ rệt hơn, yêu cầu thí sinh phải tổng hợp nhiều kỹ năng mới hoàn thành tốt.

Ảnh minh họa

Giáo viên Lịch sử, Đoàn Thị Dung, Trường trung học phổ thông Tân Túc, Bình Chánh, đánh giá chất lượng câu hỏi khá hay. Đa số các câu đều tập trung vào phần lịch sử Việt Nam. Nhìn các em thí sinh ra khỏi phòng thi tâm trạng hồ hởi, không căng thẳng như buổi làm bài thi Khoa học tự nhiên. “Về mức độ đề thi năm nay có phần dễ thở, không có nhiều câu đánh đố hay bẫy học sinh. Mức trung bình 5-6 sẽ nhiều. Phổ điểm dừng ở đó là dễ thở hơn cho học sinh”, giáo viên Đoàn Thị Dung đánh giá.

Được đánh giá là dễ kiếm điểm so với đề Lịch sử, đề thi Địa lý có 15 câu hỏi về kỹ năng, trong đó một số câu hỏi dựa vào Atlas Địa lý là có thể trả lời. Giáo viên Nguyễn Thị Mai, Tổ trưởng bộ môn Địa lý, trường trung học phổ thông Nguyễn Du, quận 10 giải thích: "Phần Atlas có tới 11 câu, nếu học sinh làm đúng hết 11 câu các em sẽ được 2,75 điểm (mỗi câu 0,25 điểm). Cộng với 4 câu kỹ năng (2 câu biểu đồ, 2 câu bảng số liệu), các em sẽ được 3,75 điểm. Tuy nhiên, các câu Atlas  có 1-2 câu đòi hỏi phải nhìn ra, hiểu và tư duy một chút".

Ở năm thứ hai, đề thi Giáo dục công dân (GDCD) được giáo viên cho biết nếu học sinh nắm kiến thức cơ bản đã có thể có được 6 điểm khá dễ dàng. Kiến thức lớp 11 của đề nằm trong khoảng 8 đến 12 câu và chỉ ở mức độ cơ bản, khá nhẹ nhàng cho học sinh. Đặc biệt các tình huống đề đưa ra khá gần với thực tiễn như quyền tự do cơ bản, dân chủ cơ bản của con người.

Cô Trần Thị Yến Ngọc, giáo viên Giáo dục công dân, trường trung học phổ thông Trần Hữu Trang, Quận 5, đánh giá: "Nói chung đề GDCD năm nay phần tình huống nhiều hơn so với năm trước. Kiến thức 12, chủ yếu xoay quanh các quyền dân chủ và quyền tự do cơ bản. Đề sát với thực tế, một số học sinh hiểu, vận dụng vào cuộc sống có thể hiểu và suy luận được".

Tổng kết kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2018 tại TPHCM, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo TPHCM khẳng định kỳ thi diễn ra an toàn nghiêm túc. Chỉ một thí sinh vi phạm quy chế do sử dụng điện thoại di động. Về số lượng thí sinh vắng thi, cao nhất là môn Toán với 414 thí sinh và thấp nhất là môn Giáo dục công dân với 84 thí sinh.

TPHCM sẽ cử 700 giáo viên tại các trường trung học phổ thông tham gia công tác chấm thi. Dự kiến chậm nhất là ngày 11/7/2018 kết quả thi trung học phổ thông quốc gia 2018 sẽ được công bố.

Bình luận