Đây là thông tin được PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM chia sẻ tại Hội nghị Cấp cao về công nghiệp bán dẫn Việt Nam diễn ra mới đây tại Hà Nội.
PGS.TS Vũ Hải Quân cho biết, trong giai đoạn 2023-2030, ĐHQG-HCM đặt mục tiêu đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển nền công nghiệp vi mạch Việt Nam và thế giới.
Theo đó, các trường đại học thành viên sẽ triển khai đào tạo trên 1.800 kỹ sư và 500 thạc sĩ ngành thiết kế vi mạch. ĐHQG-HCM sẽ xây dựng chương trình đào tạo hiện đại, cấp chứng chỉ công nghiệp và quốc tế về thiết kế vi mạch cho khoảng 15.000 kỹ sư.
Xem thêm: Trường Đại học Bách khoa mở ngành đào tạo vi mạch, bán dẫn
Đề cập đến một số khó khăn, thách thức của ĐHQG-HCM trong đào tạo ngành thiết kế vi mạch, Giám đốc ĐHQG-HCM nhận định, ngành này rất khó, không thấy được kết quả ngay, giống như ngành “phía sau hậu trường” tạo ra sản phẩm. Do đó, việc tìm kiếm cách thức hiệu quả để thu hút sự quan tâm của học sinh, sinh viên tài năng là không dễ dàng.
Tiếp đến là chương trình đào tạo, thách thức đặt ra là phải đào tạo được kiến thức mới hoặc đi trước, kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI) trong vấn đề thiết kế vi mạch.
Bên cạnh đó, hiện nay Việt Nam vẫn còn thiếu chuyên gia giỏi đầu ngành, hầu hết các chuyên gia lựa chọn ở lại nước ngoài hoặc làm việc cho các tập đoàn lớn; và thiếu hệ thống các phòng thí nghiệm về thiết kế vi mạch để các phần mềm chia sẻ có thể dùng chung.
Ngoài ra, còn có sự cạnh tranh của các đại học trong khu vực (Singapore, Indonesia) và nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho lĩnh vực thiết kế vi mạch, nghiên cứu và phát triển (R&D) trong thiết kế vi mạch.
Để giải quyết các vấn đề này và đẩy mạnh hoạt động đào tạo, PGS.TS Vũ Hải Quân cho biết, ĐHQG-HCM đã mời chuyên gia của các đại học lớn tại Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc để giúp xây dựng chương trình đào tạo.
Dự kiến trong năm 2024, Đại học sẽ thành lập hai phòng thí nghiệm mới, có khả năng chia sẻ trong toàn hệ thống ĐHQG-HCM lẫn các trường đại học khu vực phía Nam. Đồng thời, thành lập Viện Công nghệ Bán dẫn là đơn vị đầu mối, thực hiện nghiên cứu chuyên sâu, R&D trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn.
Giám đốc ĐHQG-HCM đề xuất Chính phủ sớm ban hành chiến lược về phát triển ngành công nghệ bán dẫn, bao gồm nguồn lực đầu tư cho đào tạo, nghiên cứu; có chính sách thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, hợp tác với các đại học trên thế giới để mở rộng phát triển chương trình đào tạo tiên tiến về thiết kế vi mạch.
Ngoài ra, cần đầu tư hệ thống phòng thí nghiệm ở hai miền Nam, Bắc dùng chung cho các trường đại học trong nghiên cứu, đào tạo ngành thiết kế vi mạch.
Thông qua các phòng thí nghiệm này, PGS.TS Vũ Hải Quân kỳ vọng Việt Nam có thể xây dựng một số doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn.
Ông cũng mong muốn các sinh viên giỏi, tài năng sẽ ở lại Việt Nam, tạo doanh nghiệp khởi nghiệp, khởi nguồn, làm chủ công nghệ bán dẫn cho người Việt Nam.