Trường đại học cần đẩy mạnh đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn

VOH - 'Nếu phát triển được lĩnh vực công nghệ bán dẫn, chúng ta sẽ nâng tầm được vị thế của đất nước. Câu chuyện này không phải của một lĩnh vực sản xuất bình thường'.

Đó là chia sẻ Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tại Hội thảo "Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam" diễn ra vào ngày 19/10.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn xác định: đây là sứ mệnh và trách nhiệm đặt toàn bộ lên hệ thống giáo dục đại học.  

Nhắc tới chữ “Thời”, Bộ trưởng nhấn mạnh: Đây là một thời điểm, thời khắc, thời cơ. Các trường đại học nếu cách đây 20 năm chưa chắc gánh vác được trách nhiệm này, nhưng với tiềm lực hiện nay của hệ thống đại học cả công, cả tư, với hệ thống doanh nghiệp trong và ngoài nước, sự quan tâm của Chính phủ, các địa phương… “thời cơ đã chín muồi”.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu: "Chúng ta đã nhiều lần đề cập tới việc giáo dục đại học chưa đáp ứng được nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực phát triển công nghệ, kỹ thuật.

Nếu phát triển được nghiên cứu, đào tạo trong lĩnh vực này, các chỉ số công bố khoa học, phát minh sáng chế, tiềm lực về khoa học và tiềm lực về đào tạo của hệ thống các trường... sẽ gia tăng. Đây là cơ hội hiện đại hoá hệ thống giáo dục đại học, đặc biệt là các trường kỹ thuật và công nghệ". 

Bộ trưởng cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo ý thức sâu sắc trách nhiệm, sứ mệnh của ngành và xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên số một trong các chỉ đạo chuyên môn của giáo dục đại học, trước hết là trong năm 2024, tiếp đến là các năm sau đó.

Bộ trưởng nhấn mạnh: "Đây là ngành mới, chúng ta không thể phát triển bằng kinh nghiệm cũ, thói quen cũ, cách làm cũ mà cần có cách làm và tầm nhìn mới mẻ. Trước mắt là những giải pháp về mặt thể chế: Cần đề xuất những tầm giải pháp cao hơn như Nghị quyết của Chính phủ, của Quốc hội. Với các trường đủ quyết tâm, có khả năng thì sẵn sàng cho tuyển sinh sớm".

Bộ trưởng cho rằng, các trường đại học cần nghĩ đột phá hơn nữa, phải phát triển cả nghiên cứu và đào tạo, hướng đến tương lai có ngành công nghiệp bán dẫn riêng của Việt Nam và cung cấp nguồn nhân lực cho nước ngoài.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng Kế hoạch hành động trong toàn ngành để thúc đẩy triển khai đào tạo, gia tăng nhanh số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, nhất là kỹ sư thiết kế vi mạch. Để thực hiện nhiệm vụ rất quan trọng này, không ai khác chính các cơ sở giáo dục đại học đóng vai trò chủ yếu.

Bình luận