Chờ...

Đoàn Đại biểu Quốc hội khảo sát về đổi mới chương trình sách giáo khoa tại quận Gò Vấp

(VOH) - Tại Gò Vấp, tỷ lệ dạy học 2 buổi/ngày đạt tỷ lệ trên 82% (tăng 2,72% so với cùng kỳ năm học 2021-2022), trong đó, cấp Tiểu học tăng 2,5%, cấp Trung học cơ sở tăng 3,8%.

Chiều ngày 14/9, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM do bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách dẫn đầu đã có buổi làm việc, khảo sát tại quận Gò Vấp về tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa Giáo dục phổ thông trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2020-2022.

Đoàn Đại biểu Quốc hội khảo sát về đổi mới chương trình sách giáo khoa tại quận Gò Vấp 1
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Như Ý

Báo cáo tại buổi làm việc , ông Trịnh Vĩnh Thanh - Trưởng phòng Giáo dục quận Gò Vấp cho biết tỷ lệ dạy học 2 buổi/ngày đạt tỷ lệ trên 82% (tăng 2.72% so với cùng kỳ năm học 2021-2022), trong đó, cấp Tiểu học tăng 2,5%, cấp Trung học cơ sở tăng 3,8%.

Chuẩn bị cho việc triển khai chương trình giáo dục năm 2018, ngành giáo dục quận Gò Vấp đã triển khai các đợt bồi dưỡng trước khi bắt đầu giảng dạy. Kết quả, 100% giáo viên dạy lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 hoàn thành nội dung bồi dưỡng về thực hiện chương trình sách giáo khoa mới. 

Sự khác biệt giữa sách giáo khoa cũ và mới là gì, sách giáo khoa cũ con chữ rất nhiều. Khi giáo viên đặt một câu hỏi, ở dưới học sinh chỉ cần nhìn vào cuốn sách là có thể đứng trên trả lời mà không hiểu gì hết, vì trong đó đã cung cấp đáp án, nhưng sách giáo khoa mới, rất hạn chế kênh chữ, tập trung kênh hình, tập trung những cái chấm hỏi. Như vậy thì giáo viên phải tổ chức cho học sinh thao tác tư duy, ví dụ như đọc, ví dụ như thảo luận nhóm, bàn bạc, ví dụ thực hành để trả lời cho những câu hỏi ở trong sách. Cuốn sách mới quan điểm viết là để người học phải tự tìm hiểu dưới sự tổ chức, điều động của giáo viên, như vậy sẽ phát triển tư duy rất tốt”, ông Trịnh Văn Thanh nhận xét về ưu điểm sách giáo khoa mới.

Các trường đảm bảo khá đầy đủ cơ sở vật chất cho tất cả bộ môn theo quy định. Quận đã chi gần 28 tỷ để mua sắm và sửa chữa cho các phòng học của 60 trường trên địa bàn. Ngoài ra, các trường còn đầu tư xây dựng phòng học, phòng bộ môn, phòng thực hành... 

Tuy nhiên, sĩ số học sinh/lớp còn cao so với quy định của Điều lệ trường học các cấp. Quận cũng chưa đảm bảo 100% học sinh được học 2 buổi/ngày. Nguyên nhân là do dân số tăng cơ học cao, trong khi hệ thống trường lớp không đủ để đáp ứng.

Ngoài ra, tình trạng thiếu giáo viên đã gây ra không ít khó khăn cho ngành giáo dục tại quận Gò Vấp. Chương trình sách giáo khoa mới có các môn tổ hợp, trong khi đội ngũ giáo viên trước kia chỉ chuyên dạy 1 môn nên lúng túng trong quá trình tiếp cận và giảng dạy. Việc mua sắm sách giáo khoa được tiến hành tập trung, tiến độ mua sách chậm đã gây ảnh hưởng đến việc đưa vào sử dụng của nhà trường.

Phát biểu kết luận tại buổi khảo sát, bà Văn Thị Bạch Tuyết đã nêu ý kiến: “Cần có sự nỗ lực lớn từ đội ngũ giáo viên của chúng ta thì mới có thể đảm bảo được chất lượng. Rất mong Ủy ban Nhân dân Quận, Phòng Giáo dục tiếp tục có sự chỉ đạo, cũng như thường xuyên kiểm tra, thanh tra để tháo gỡ những khó khăn của các trường, đầu tư kinh phí cũng như các điều kiện khác để các thầy cô giáo được tập huấn, trang bị thêm kiến thức, kinh nghiệm, đủ thiết bị giảng dạy.”