Trong năm học 2023-2024, chương trình “Hỗ trợ tâm lý học đường – Đưa chuyên gia đến với trường học” sẽ đưa các chuyên gia tâm lý đến 20 trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông trên địa bàn TPHCM để chia sẻ, giao lưu, lắng nghe tiếng nói của học sinh trong mọi vấn đề như ứng xử văn minh trên mạng xã hội, cảnh báo, phòng ngừa vấn nạn bạo lực học đường, kỹ năng phòng chống xâm hại, giảm stress trong học tập, chọn ngành chọn nghề…
Qua đó, giúp học sinh có thêm kỹ năng để vượt qua những khó khăn tâm lý, tự tin giải quyết các vấn đề của mình và tập trung học tập một cách tốt nhất.

Tiến sĩ Xã hội học, Thạc sĩ Tâm lý Phạm Thị Thúy - Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia TPHCM cho biết, tình trạng học sinh “mất kết nối” với gia đình, nhà trường… xuất hiện ngày càng nhiều. Điều này sẽ dẫn đến những rối loạn về cảm xúc, ảnh hưởng đến chất lượng học tập của học sinh.
Bà Thúy cho biết: “Thông qua chương trình, xã hội, thầy cô, cha mẹ và học sinh sẽ quan tâm nhiều hơn đến vấn đề sức khoẻ tinh thần. Các chuyên gia sẽ đi đến nhiều trường, chia sẻ với học sinh không chỉ dưới sân trường mà trong từng nhóm nhỏ với các vấn đề chuyên sâu. Đặc biệt, chúng tôi mong muốn được tiếp cận với các trường hợp học sinh cụ thể đang gặp vấn đề về tâm lý”.
“Nếu chuyên gia đồng hành được với các trường hợp này, kết quả sẽ rất khả quan” – bà Thúy khẳng định.
Hiện cả nước có gần 100 triệu dân, trong đó có gần 27 triệu trẻ em. Tại buổi ra mắt chương trình, đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tại TPHCM khẳng định, vấn đề trẻ em, học đường luôn được xã hội quan tâm.
Đây cũng là chủ đề dễ gây phản ứng trái chiều trên cả không gian mạng và trong thực tế. Cần truyền thông thật tốt để định hình tâm lý cho trẻ em, đặc biệt là học sinh trong môi trường học đường.