Trung tâm châu Á nghiên cứu về Nước: Phát triển nhiều dự án nghiên cứu về nước

VOH - Ngày 15/11, Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm châu Á nghiên cứu về Nước (CARE).

CARE là một trong những phòng thí nghiệm chung của RESCIF (Mạng lưới Xuất sắc về Khoa học Kỹ thuật của Cộng đồng nói tiếng Pháp) được thành lập vào tháng 11/2013, trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác quốc tế giữa Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM), Viện nghiên cứu và Phát triển quốc gia Pháp và Trường Đại học Bách khoa Grenoble-Pháp.

CARE là trung tâm nghiên cứu duy nhất ở miền Nam Việt Nam phát triển các dự án nghiên cứu liên kết và các hoạt động đào tạo giữa các tổ chức nghiên cứu - đào tạo của Việt Nam và Châu Âu về các vấn đề liên quan đến môi trường trọng điểm trong khu vực, bao gồm quản lý bền vững tài nguyên nước, kiểm soát ô nhiễm nước và nước thải, ô nhiễm không khí, đánh giá tính dễ tổn thương của chu trình nước và sinh thái môi trường.

nghiên cứu nước
Các nhà khoa học của CARE lấy mẫu nước trên sông Sài Gòn để phân tích - Ảnh: N.Q

PGS. TS. Mai Thanh Phong – Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa cho biết, với 10,5 tỷ đồng đầu tư từ ĐHQG-HCM và khoảng 28 tỷ đồng từ các nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế, cho tới nay, CARE đã kêu gọi được 25 dự án trong nước và quốc tế, có 125 bài báo khoa học ISI, 72 bài báo ngoài ISI, đào tạo 8 tiến sĩ. CARE cũng thu hút khoảng 200 lượt thực tập và trao đổi học thuật của các nhà khoa học, sinh viên trong và ngoài nước.

Bên cạnh yếu tố quốc tế, các nghiên cứu tại CARE còn mang tính liên ngành cao khi huy động sự tham gia của nhiều khoa, nhiều trường đại học như Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG-HCM), Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường…

thầy mai thanh phong
PGS. TS. Mai Thanh Phong đánh giá, CARE đã thực hiện tốt cam kết giải quyết các vấn đề quan trọng trong lĩnh vực nước tại Việt Nam và khu vực - Ảnh: HL 

PGS. TS. Nguyễn Minh Tâm - Phó giám đốc ĐHQG-HCM cho biết, chiến lược Phát triển ĐHQG-HCM giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 đã xác định các nội dung chiến lược gồm: đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học – công nghệ liên ngành giải quyết các nhiệm vụ quốc gia, khu vực và thế giới; tăng cường hợp tác và chủ động hội nhập hướng đến hiện thực hóa tầm nhìn trở thành hệ thống đại học nghiên cứu trong tốp đầu châu Á, nơi hội tụ nhân tài và lan tỏa tri thức, văn hóa Việt Nam.

Trên cơ sở này, cùng với nới những thành tựu mà Trung tâm đạt được trong thời gian qua, PGS. TS. Nguyễn Minh Tâm khẳng định, ĐHQG-HCM cam kết luôn hỗ trợ, đồng hành cùng sự phát triển của Trung tâm CARE và kỳ vọng Trung tâm sẽ tiếp tục hoạt động hiệu quả thông qua hợp tác quốc tế, thu hút thêm sự tham gia của các nhà nghiên cứu và sinh viên tài năng, có thêm nhiều công bố quốc tế, góp phần khẳng định uy tín và vị thế của Trường Đại học Bách khoa và ĐHQG-HCM trong cộng đồng khoa học trong nước và quốc tế.

Mạng lưới các trường Đại học kỹ thuật Pháp ngữ xuất sắc, Le Réseau d’Excellence des Sciences de l’Ingénieur de la Francophonie (viết tắt là RESCIF), được thành lập từ sáng kiến của Trường Đại học Bách Khoa Lausanne (EPFL), nhằm tạo một sự liên kết và hỗ trợ nhau trong nghiên cứu khoa học và đào tạo giữa một số trường đại học kỹ thuật sử dụng tiếng Pháp.

RESCIF gồm 17 trường đại học kỹ thuật, từ 13 nước tại Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Phi và Trung đông, tập trung vào các lĩnh vực, các vấn đề quan tâm của thế giới, nhất là các nước đang phát triển: nước, năng lượng, sức khỏe, lương thực, phát triển đô thị, khởi nghiệp và dữ liệu lớn.

Hoạt động của RESCIF tập trung qua trao đổi chuyên gia, các sinh viên thực tập tại các phòng thí nghiệm của mạng lưới; đồng thời phát triển hệ thống các giáo trình mở trực tuyến, MOOCs, dùng chung.

Năm 2023, RESCIF khánh thành Trung tâm Châu Á nghiên cứu về nước, phòng thí nghiệm – platforme chung đầu tiên của mạng lưới, CARE - đặt tại Trường Đại học Bách Khoa (ĐHQG-HCM).

Sau 10 năm, CARE trở thành đơn vị thành công nhất trong hệ thống 06 phòng thí nghiệm liên kết của RESCIF trên toàn thế giới.