Trong đó, các đại biểu cho rằng giáo dục STEM mang lại rất nhiều lợi ích cho học sinh. Hoạt động này sẽ làm được nếu các đơn vị quyết tâm.
Hoạt động giáo dục STEM được ngành giáo dục cả nước triển khai từ năm học 2017-2018. Từ đó đến nay, nhiều trường học đã nỗ lực xây dựng các mô hình giáo dục, tuy nhiên vẫn còn đang ở những bước đi mò mẫm. Nhiều đơn vị đã có những sáng tạo riêng nhưng chưa được chia sẻ và nhân rộng. Theo ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc Công viên Phần mềm Quang Trung hoạt động giáo dục STEM giúp học sinh phát triển sự khéo léo sáng tạo, hình thành kỹ năng giải quyết vấn đề, làm việc nhóm... Vì vậy, phía đơn vị thời gian qua đã có nhiều hoạt động hỗ trợ như tổ chức các cuộc thi khoa học sáng tạo, ươm mầm tài năng trẻ, và mô hình Trung tâm giáo dục STEAMZONE. Ông Lâm Nguyễn Hải Long cho rằng: "Hiện nay chúng ta đã biết học sinh thường thì thiếu động lực, hoặc không có kỹ năng được đào tạo từ bé, hoặc sự hạn chế những ứng dụng công nghệ, giáo viên ít có cơ hội tham gia những hoạt động này, chúng ta thiếu tài nguyên, chương trình không đầy đủ... Vì vậy, chúng tôi cố gắng tìm câu trả lời".
Trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn, Quận 3, là một trong những đơn vị đã có những bước đi rất hiệu quả trong việc đưa hoạt động STEM vào trong trường học. Theo giáo viên Cao Phan Hà Vy, hoạt động này có những tác động quan trọng trong việc hình thành nhân cách trẻ. Để triển khai chương trình, ngoài việc xây dựng đội ngũ, thay đổi phương thức kiểm tra đánh giá, tuyên truyền cho phụ huynh học sinh biết về tầm quan trọng, hiệu quả của hoạt động giáo dục này còn có phần đóng góp quan trọng từ phụ huynh học sinh và nguồn xã hội hóa: "Toàn bộ kinh phí đầu tư đó để mua các loại máy móc, trang bị cho phòng STEM của nhà trường như: máy in 3D, máy khắc CNC, máy khoa, máy cưa, các bộ dụng cụ để các nhóm thực hành. Hiện nay, trường đã triển khai được 14 nhóm thực hành với mỗi nhóm như vậy có đầy đủ tất cả các dụng cụ, giống 1 cái xưởng để học sinh có thể sáng tạo, tạo ra những sản phẩm cho bản thân mình" .
Các diễn giả cho rằng từ hoạt động giáo dục STEM, rồi đến STEAM (có thêm chữ A- Art- yếu tố nghệ thuật), đến nay khuynh hướng thế giới tiếp tục gắn thêm chữ E, tức là STEAME vào hoạt động giáo dục này. Chữ E viết tắt từ Entrepreuship là tinh thần doanh nhân, thích ứng với những biến đổi trong xã hội.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hải, Viện Nghiên cứu Giáo dục STEM, Đại học Missouri, Hoa Kỳ, cho biết tại quốc gia này môi trường học tập được xem như "người thầy thứ 3". Sau 2 "người thầy" là giáo viên và bạn bè. Vì vậy, tiến sĩ cho rằng, ở Việt Nam, với điều kiện kinh tế còn hạn chế, có thể triển khai mô hình ở từng đơn vị lớp, từng học phần nhỏ sau đó dần triển khai ra toàn trường. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hải thông tin thêm: "cách bố trí không gian phù hợp cũng khiến học sinh yêu thích việc học hơn, học được nhiều hơn, học được tốt hơn. Như vậy, việc chú trọng vào môi trường là việc rất quan trọng đối với trường học. Dĩ nhiên việc này liên quan kinh phí. Có thể trang bị từ một phòng học đơn giản trước, sau đó mới mở rộng ra nhiều phòng học và có thể thay đổi cả cấu trúc của một trường."
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng từ khoá để phát triển thành phố chính là "sáng tạo". Để tiếp tục đi đầu, xứng đáng với niềm tin của cả nước mỗi người dân thành phố phải sáng tạo chứ không thể làm theo thói quen, hết giờ hết việc... Trong đó hoạt động giáo dục STEM cần được các trường xác định kế hoạch, định hướng rõ ràng, để mọi học sinh thành phố sớm được tiếp cận. "Tinh thần thái độ của quản lý, thủ trưởng là quan trọng. Và các trường cần quan tâm nhất là đào tạo giáo viên, hỗ trợ, bồi dưỡng giáo viên, tạo điều kiện cho giáo viên mình tiếp cận giáo dục hiện đại. Mọi thứ chúng ta có thể làm được nếu chúng ta quyết tâm cùng với sự hỗ trợ của nhà trường. Sở Giáo dục rất đồng thuận. Nhiều chủ trương ngày càng "mở" hơn để chúng ta thực hiện".
Xem thêm: