Chờ...

Phó Chủ tịch TP Dương Anh Đức: Giáo dục phải hướng đến sự tử tế và công bằng

VOH - Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024 ngày 23/8, lãnh đạo TPHCM yêu cầu giáo dục đào tạo phải hướng đến sự tử tế và công bằng.

Năm học 2022-2023, ngành giáo dục đã triển khai các Chương trình, Đề án đột phá của Thành phố về giáo dục theo lộ trình và phù hợp với thực tiễn.

Tính đến nay, hơn 1,7 triệu hồ sơ học sinh đã được xác thực định danh với Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia đạt tỷ lệ 99,2%.

Ngân sách thành phố dành cho giáo dục luôn được xem xét ưu tiên tăng theo từng năm, hiện chiếm 28% ngân sách chi thường xuyên và 20% ngân sách đầu tư xây dựng cơ bản.

lớp 1
Giáo viên làm quen với các em học sinh lớp 1 trong ngày tựu trường - Ảnh: HL

Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM đã tạo thêm nhiều điều kiện phát triển cho Thành phố về mọi mặt trong đó có lĩnh vực giáo dục.

Thành phố có đề án về xây dựng mô hình trường học chất lượng cao “trường tiên tiến hội nhập quốc tế”, đề án phổ cập và nâng cao khả năng sử dụng tiếng Anh cho học sinh, chương trình nâng cao năng lực công nghệ thông tin… nhằm hướng đến môi trường hội nhập và phát triển.

Tuy nhiên, ông Dương Anh Đức lưu ý, nhà đầu tư cần đặt mục tiêu xây dựng môi trường giáo dục tử tế lên trên yếu tố lợi nhuận, ngành giáo dục không quên yếu tố “công bằng”.

“Khi mở ra các ngôi trường chất lượng cao, tiên tiến, hội nhập, ngành giáo dục cũng cần tính toán hợp lý để các em đều được cung cấp môi trường học tập, dịch vụ học tập tốt và công bằng, đều có cơ hội phát triển” - ông Dương Anh Đức chỉ đạo. 

ông dương anh đức
Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TPHCM phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Tuyết Nhung

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng ghi nhận, TPHCM luôn đi đầu trong đổi mới giáo dục.

Số học viên học Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS và cấp THPT của Thành phố đông nhất toàn vùng với hơn 29.000 học viên (chiếm 45,5% số học viên toàn vùng Đông Nam Bộ).

Thành phố có hơn 15.000 phòng học được kiên cố đạt tỷ lệ 97,7% đứng thứ 3 cả nước sau Đà Nẵng và Bắc Ninh, trong khi quy mô trường lớp của TPHCM lớn hơn nhiều so với các địa phương.

Thành phố đã tích cực, chủ động trong đổi mới dạy học ngoại ngữ, phát triển loại hình tăng cường tiếng Anh, đưa việc dạy học Toán và khoa học bằng tiếng Anh vào thực hiện từ nhiều năm qua đã nhận được sự đồng thuận rất lớn từ xã hội.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, khu vực miền Nam đặc biệt là TPHCM có nhu cầu, khả năng, mong muốn học tập suốt đời rất cao, quận tâm thực chất, không phân biệt đào tạo chính quy hay tại chức, công lập hay dân lập…

Theo Thứ trưởng, đây là điều kiện xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, điều kiện để xã hội hoá, phát triển ngoài công lập. Học để có kiến thức, học để hành nghề, học để làm.