Giáo dục văn hoá ứng xử học đường còn bất cập

(VOH) - Việc giáo dục văn hoá ứng xử, lễ nghĩa vẫn còn nhiều bất cập là nhận định được nhiều học sinh đưa ra trong chương trình Gặp gỡ giữa lãnh đạo Sở GD - ĐT với học sinh thành phố năm 2017 "Học sinh thành phố với văn hóa ứng xử học đường" diễn ra sáng 28/3, với sự tham gia của 160 học sinh tiêu biểu đại diện khối các trường THPT và trung tâm GDTX thành phố.

Em La Thị Kim Thư, trường THPT Võ Thị Sáu cho rằng học sinh phải biết chọn lọc học những điều tốt.

Theo các em, mặc dù "Tiên học lễ, hậu học văn" nhưng thực tế đa số các trường thường làm ngược lại, ưu tiên học văn hoá trước khi dạy lễ nghĩa. Trong đó, môn học Giáo dục công dân (GDCD) dù đã được đưa vào kỳ thi THPT quốc gia, tuy nhiên nội dung môn học là kiến thức quá cao siêu, không phát huy được tác dụng giáo dục văn hoá ứng xử cho người học.

Tình trạng không đủ thời gian để thực hiện các chuyên đề giáo dục cũng là một thực tế được em Phạm Thị Thanh Phụng, trường THPT Nguyễn Khuyến, nêu ra: "Trong lịch sinh hoạt, cô chủ nhiệm có rất nhiều chuyên đề để sinh hoạt với chúng em, nhưng mỗi tuần chỉ có 45 phút cho tiết sinh hoạt chủ nhiệm. Các nội dung như tổng kết hoạt động tuần trước, những việc cần làm trong tuần đã chiếm hết thời gian. Vì vậy, những chuyên đề dù chuẩn bị nhưng không có thời gian để làm".

Các em cũng cho rằng hiện nay facebook, mạng xã hội là một phần không thể thiếu của học sinh, là nơi để các em chia sẻ cuộc sống và quan điểm. Tuy nhiên, mặt trái của mạng xã hội là dễ bị lôi kéo theo những trào lưu nguy hiểm, quá khích. Thậm chí, mạng xã hội còn là công cụ để gây áp lực, bôi nhọ danh dự cá nhân tạo nên một hình thức "bạo lực" tinh thần.

Vì vậy, các bạn cho rằng nhà trường nên hướng dẫn cách thức sử dụng mạng xã hội an toàn, tổ chức các cuộc thi trên mạng xã hội để tuyên truyền giáo dục văn hoá ứng xử. Trần Tiến, trường THPT Đinh Thiện Lý, Quận 7 đề xuất: "Trong các môn GDCD, Tin học hoặc kỹ năng sống nên đưa vào học cách sử dụng facebook, mạng xã hội hiệu quả. Như mình nên post status nào, nếu mình post video này thì mọi người sẽ nghĩ sao về mình. Từ đó, học sinh biết cách sử dụng facebook hiệu quả nhất cũng như không gây ảnh hưởng xấu đến mọi người xung quanh và những người dùng khác".

Tại buổi gặp gỡ, nhiều bạn cũng cho rằng học sinh còn ngại nêu ý kiến. Lý do một phần là các bạn không nhận được sự lắng nghe, thấu hiểu, đồng cảm từ phía gia đình, thầy cô.

Ngoài ra, theo Đào Đức Huy, trường THPT Việt - Úc, việc ngại đưa ra ý kiến bản thân do học sinh chưa được tôn trọng sự khác biệt: "Thầy cô có thể đưa ra một giải pháp cho bài toán nhưng học sinh có thể đưa giải pháp thứ 2, 3, 4, 5. Có thể giải pháp của thầy cô là tốt nhất nhưng có khi giải pháp thứ 2, 3 đó lại là cách mà học sinh đó hiểu nhanh nhất, rõ ràng nhất.

Em nghĩ chúng ta nên chấp nhận, tôn trọng sự khác biệt của người khác, cũng như tôn trọng cá tính, sở thích riêng, không nên quá xét nét bởi họ khác biệt. Đôi khi người khác biệt lại là người tốt, là người mang lại tầm ảnh hưởng lớn đối với xã hội".

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD - ĐT trao đổi với các em tại buổi gặp gỡ

Ghi nhận những ý kiến đóng góp của các em, ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD - ĐT yêu cầu các trường dành nhiều thời gian hơn để tổ chức hoạt động giáo dục trong nhà trường, sắp xếp thời khoá biểu hợp lý để có thể tổ chức các chuyên đề, tiết học chính khóa ngoài nhà trường. Đồng thời, thực hiện kết nối tốt mối quan hệ giữa nhà trường- gia đình và xã hội, tăng cường tổ chức các chuyên đề giáo dục cho cả phụ huynh học sinh.

Giám đốc Sở GD - ĐT cũng yêu cầu các em phải biết chọn lọc thông tin, tiếp thu những điều tích cực, ngăn chặn tác động tiêu cực và tác động đến chính bạn bè của mình: "Chính bản thân các em chứ không ai khác. Sau đó mới lan toả ra những người bạn của mình trong cộng đồng mạng, trong tập thể. Các em hoàn toàn có đủ tư cách của một người sắp trưởng thành hoặc trưởng thành để có thể tác động lại những gì không đúng. Vấn đề nào bản thân không thể tự mình giải quyết được thì phải kịp thời chia sẻ và nhờ trợ giúp ngay".