"Giáo viên hiệu quả, trường học hạnh phúc"

(VOH) - Sáng 21/9, tại hội thảo "Giáo viên hiệu quả, trường học hạnh phúc", các đại biểu cho rằng giáo viên thường được nghĩ là nghề đi dạy nhưng là thực ra là nghề phải đi học nhiều nhất.

Hội thảo do tổ chức đào tạo và tư vấn giáo dục FAROS tổ chức.

Tại hội thảo diễn giả nhắc lại câu nói của nhà hiền triết Socrate: "Giáo dục không phải là rót cho đầy một chiếc bình, mà là khơi lên một ngọn lửa". Tuy nhiên, những năm gần đây, việc "rót đầy" lại trở nên thường xuyên và dường như quá tải, làm cho trường học trở nên kém hạnh phúc.

Theo Unesco, những yếu tố làm cho trường học kém hạnh phúc như: kém an toàn trẻ dễ bị bắt nạt; học sinh quá tải bởi áp lực thi cử điểm số; môi trường học tập có nhiều tiêu cực; giáo viên có thái độ và phẩm chất không phù hợp và các mối quan hệ xấu. Vì vậy, một bộ phận phụ huynh sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để con cái được tiếp cận mô hình giáo dục mà họ cho là hiệu quả, hạnh phúc hơn.

Giáo viên, trường học hạnh phúc

Theo bà Bùi Trân Phượng, người khởi xướng dự án "TEACH- Cùng giáo viên thay đổi", nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen, giáo dục nước ta hiện đào tạo con người một cách khuôn mẫu và quá chú trọng đến thành tích học tập. Mục tiêu hướng đến của học sinh trung học cơ sở chỉ là đậu vào lớp 10 trường chuyên, trường top. Mục tiêu của học sinh trung học phổ thông là đậu vào đại học lớn. Vì vậy, một số giáo viên dù ý thức và quan tâm đến mục tiêu đúng nghĩa của giáo dục con người vẫn không thể vượt ra ngoài mục tiêu thi cử đó.

Bà Bùi Trân Phượng cho rằng giáo viên hiệu quả là giáo viên hiểu giáo dục đúng nghĩa, nhưng rất khó. Vì giáo dục đúng nghĩa là phát triển người học và mình cùng phát triển với họ. Mỗi đứa trẻ, mỗi học sinh là một con người tự do khác biệt. Người dạy có sứ mạng cao cả thiêng liêng là làm sao tạo sự thay đổi lành mạnh tích cực ở con người tự do, khác biệt đó. Muốn làm được, bản thân giáo viên cũng phải hoà nhịp với sự lành mạnh và tích cực đó.

Những sự việc gây bức xúc trong dư luận xã hội thời gian qua một phần là do sự thiếu chuyên nghiệp và hiệu quả của giáo viên. Các diễn giả cho rằng ngoài tình yêu nghề, giáo viên ngày nay cần phải đáp ứng yêu cầu về hiệu quả giáo dục. Điều này thể hiện trong thay đổi hành vi, nhận thức của học sinh và khả năng giải quyết những trở ngại trong quá trình giáo dục của người thầy. Tuy nhiên, một giáo viên trung học cơ sở của một trường trung học cơ sở tại một quận trung tâm thành phố nêu những khó khăn thực tế: "Giáo viên dạy một tuần 20 tiết, chưa kể các tiết thiếu giáo viên phải dạy thêm vào, nên thời gian khá ít để có thể quan tâm nhiều đến học sinh. Một tiết dạy chỉ 45 phút mà chương trình của Bộ thực sự chạy không kịp. Một lớp thường có trên 50 học sinh, để quan tấm hết thực sự rất khó khăn. Thu nhập lại không đảm bảo cho giáo viên tâm huyết với nghề. Có giáo viên phải đi bán hàng online, dạy thêm. Người ta bảo không cho dạy thêm, nếu không dạy thêm chúng tôi sống bằng gì".

Theo ông Trần Đức Huyên, Nguyên hiệu phó chuyên môn Trường trung hoc học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong, sự tích cực có trong giải pháp nhưng sự hiệu quả phải đến từ hành động. Người giáo viên hiệu quả phải thấy quá trình dạy và học là không tách rời. Giáo viên phải khơi gợi được ngọn lửa đam mê học tập của học sinh, chuyển từ hoạt động dạy của mình thành hoạt động học của học sinh.

Bà Nguyễn Thuý Uyên Phương, người sáng lập và điều hành tổ chức đào tạo và tư vấn giáo dục Faros, cho rằng, giáo viên cần luôn ý thức cập nhật kiến thức để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội: "Có những điều ta không thể thay đổi như bối cảnh xã hội, cơ chế ... chúng ta cần có sự an nhiên bình thản để chấp nhận. Tuy nhiên cũng có những điều giáo viên cần có sự dũng cảm để đương đầu và cái khó nhất chính là sự phân biệt ranh giới đó. Vì vậy, không gì khác hơn là phải đi học. Giáo viên mình nghĩ là cái nghề đi dạy, nhưng kỳ thực lại là cái nghề đi học".

Ra mắt Câu lạc bộ cộng đồng cựu Du học sinh quốc tế TPHCM Sáng 21/9, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TPHCM tổ chức lễ ra mắt Câu lạc bộ cộng đồng cựu Du học sinh quốc tế TPHCM.

 VAS thừa nhận sơ suất trong quản lý và kiểm định định lượng suất ăn học sinh Sau những phản ánh của phụ huynh và báo chí về bữa ăn của Trường Quốc tế Việt Úc, cơ sở Sala, chiều 20/9, nhà trường đã có những phản hồi chính thức.
Bình luận