Hiểu đúng ý nghĩa “Không vận dụng, sáng tạo” trong kỳ thi quốc gia

(VOH) - Trong nền giáo dục tiên tiến, chúng ta luôn khuyến khích và ủng hộ năng lực “vận dụng, sáng tạo”.

Thang nhận thức Bloom (6 cấp độ tư duy) mô tả, sự phát triển của năng lực tư duy, khả năng nhận thức một vấn đề được chia làm 6 cấp độ. Trong đó, “vận dụng” là cấp độ tư duy nhận thức thứ 3 trong thang 6 bậc, đồng thời “sáng tạo” là năng lực tư duy cao nhất (bậc 6), cũng là năng lực “đỉnh tháp” có số ít người đạt đến theo sơ đồ hình kim tự tháp.

Hiểu đúng ý nghĩa “Không vận dụng, sáng tạo” trong kỳ thi quốc gia 1

Kim tự tháp “Thang đo tư duy nhận thức Bloom”

Trong quá trình lao động để sinh tồn và tiến hóa, con người luôn cần vươn đến khả năng tư duy, năng lực suy nghĩ để giải quyết vấn đề ở cấp độ cao hơn nhận thức trực quan, giản đơn. Trong đó, “vận dụng” và “sáng tạo” thường được nhắc đến với khả năng “vận dụng” giúp ta phản ứng, xử lý vấn đề một cách linh hoạt, hiệu quả. Khả năng “sáng tạo” giúp ta đưa vấn đề bức phá vượt lên trình độ phát triển đương thời, hướng đến sự tiến bộ, đi lên của xã hội, đời sống. Các sáng kiến, phát minh giúp xã hội ngày một hiện đại hơn, cấp tiến hơn, cũng chính nhờ sự “sáng tạo” trên nhiều lĩnh vực của đời sống.

Từ đó, có thể khẳng định “vận dụng, sáng tạo” là cần thiết khích lệ cho sự phát triển.

Tuy nhiên, mặt hạn chế của tính “vận dụng, sáng tạo” chính là tính không chắc chắn, nghĩa là có thể sai, có thể thất bại.

Do vậy, đối với nhiều trường hợp khi tiến hành các hoạt động quan trọng mang tính công vụ, đặc biệt khi thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến sự công bằng, có ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai, cuộc sống của nhiều người, chúng ta cần thiết bám sát quy chế, quy định, quy trình, thao tác bài bản, đúng hướng dẫn, không được tự ý “linh loạt vận dụng”, càng không được “sáng tạo” trong quá trình thực hiện nhiệm vụ có liên quan.

Vừa qua, rà soát và chỉ đạo công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT, lãnh đạo Bộ Giáo dục & Đào tạo - Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, một lần nữa nhắc lại: Tuyệt đối 'không vận dụng sáng tạo trong thi tốt nghiệp. Đây là nội dung nhắc nhở kinh điển tại tất cả các buổi họp Hội đồng kỳ thi Quốc gia tại các điểm thi trên toàn quốc hàng năm, không phải lần đầu tiên yêu cầu trên được đưa ra.

Ấy vậy mà, tại nhiều điểm thi vẫn lặp lại việc “vận dụng linh hoạt, sáng tạo”, dẫn đến vi phạm quy chế thi và những biên bản kỷ luật thí sinh, cán bộ coi thi, thậm chí là cán bộ giám sát… đã được đưa ra.

Tuy nhiên, ngay sau chỉ đạo trên, không gian mạng đã xuất hiện không ít suy nghĩ trái lại, cho rằng: “Vận dụng sáng tạo trong thi tốt nghiệp' để mang lại hiệu quả, có gì sai?” “Cuộc sống luôn vận động, tại sao thứ trưởng bộ GD-ĐT lại chỉ đạo "tuyệt đối "không được vận dụng sáng tạo" các quy định". Nếu sáng tạo là tốt cho kỳ thi thì phải khuyến khích chứ?.”, “tôi cũng rất ngạc nhiên và bất ngờ với chỉ đạo của thứ trưởng Bộ GD- ĐT Nguyễn Văn Phúc” Không vận dụng sáng tạo trong thi tốt nghiệp", “Sáng tạo, linh hoạt trong điều hành mà không có hại cho ai chỉ có lợi cho công việc thêm trôi chảy thì có phải báo cáo không? phải vận dụng qua thực tiễn chứ sao cứng nhắc từ chỉ thị vậy ...?”

Để hiểu một phát ngôn, chúng ta cần thiết đặt trọn vẹn trong bối cảnh, phạm vi, các mối liên hệ chịu tác động của nội dung phát ngôn. Ở đây cần làm rõ, không gian áp dụng chỉ đạo “tuyệt đối không được “vận dụng, sáng tạo”” là tại điểm thi và phòng thi. Thời gian “không được “vận dụng, sáng tạo”” là khoảng thời gian diễn ra kỳ thi.

Để giải quyết các trường hợp phát sinh trong thời gian diễn ra kỳ thi, trong Quy chế tuyển sinh THPT quốc gia 2022, có thể chú ý những nội dung liên quan tính “vận dụng”, như điều 5. khoản 2, điểm b,  Trách nhiệm của thí sinh trong kỳ thi THPT, mục điều kiện dự thi, quy định: “Nếu thấy có những sai sót về họ, tên đệm, tên, ngày, tháng, năm sinh, đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên, phải báo ngay cho cán bộ coi thi (CBCT) hoặc người làm nhiệm vụ tại Điểm thi để xử lý kịp thời”; điểm l, khoản 4: Phải tuân thủ các quy định sau đây trong phòng thi, quy định rõ: trong trường hợp cần cấp cứu phải có sự giám sát của công an cho tới khi hết giờ làm bài của buổi thi và do Trưởng Điểm thi quyết định; Điều 5, khoản 6 cũng đã hướng dẫn: Khi có sự việc bất thường xảy ra, phải tuyệt đối tuân theo sự hướng dẫn của CBCT và những người có trách nhiệm tại Điểm thi….

Chúng ta có thể thấy những trường hợp bất thường có thể xuất hiện trong kỳ thi đều đã được phân cấp, phân quyền “vận dụng” để quyết định giải quyết tình huống cụ thể. Người tại cấp được phân quyền ở đây, theo quy định, có nhiệm vụ “vận dụng”  mọi quy định hiện hành để đưa ra quyết định đảm bảo quyền lợi có thí sinh nhất. Tựu trung lại, việc có người đủ thẩm quyền “vận dụng” để giải quyết các tình huống bất thường, thực chất, đều đã nằm trong quy định.

Từ đó, có thể thấy, khi tham gia kỳ thi quốc gia, từ thí sinh, cán bộ coi thi, thanh tra thi… đều phải nắm chắc, nắm vững quy chế thi, trong quá trình diễn ra kỳ thi, cần thực hiện đúng mọi thao tác, quyết định theo quy định.

Vì sao không nên, không thể, không được “vận dụng, sáng tạo” trong thực hiện nhiệm vụ tại các kỳ thi quốc gia

Trong quá trình diễn ra kỳ thi, những cán bộ tham gia làm nhiệm vụ, cần tránh “linh hoạt vận dụng”, để tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc.

Không ít trường hợp có những biên bản kỷ luật đáng tiếc trong nhiều mùa thi qua, khi cán bộ coi thi, do biên độ thời gian nhận đề và bóc đề rộng, không đợi hiệu lệnh trống hoặc chuông đã tự ý bóc, phát đề sớm hơn hiệu lệnh, để “có lợi về thời gian làm bài cho thí sinh trong phòng thi”; nhưng vô tình, đã tạo nên sự bất công về thời gian làm bài đối với nhiều thí sinh ở các phòng thi thực hiện bóc và phát đề đúng hiệu lệnh chung trên toàn quốc.

Hoặc trường hợp khác, cán bộ coi thi “vận dụng” cho thí sinh nộp phiếu Trả lời trắc nghiệm (TLTN) xong được ra về trước, không thực hiện đúng điểm e) Chỉ được rời khỏi phòng thi sau khi CBCT đã kiểm đủ số Phiếu TLTN của cả phòng thi và cho phép rời khỏi phòng thi, dễ dẫn đến tình trạng hỗn loạn, thiếu phiếu trả lời trắc nghiệm so với chữ ký của thí sinh trong phiếu điểm, điều này dẫn đến sai phạm đánh mất bài thi;

Hoặc trường hợp cán bộ coi thi cho phép thí sinh ngồi sai số báo danh, cho rằng vô thưởng vô phạt, linh hoạt để tạo sự thoải mái cho thí sinh, vô tình quyết định sai nguyên tắc này làm mất khả năng kiểm soát vấn đề thi thay, thi hộ; Hoặc trường hợp cán bộ giám sát quan sát từ ngoài phòng thi, phát hiện thí sinh sử dụng tài liệu, nóng vội bước vào phòng thi để “bắt” thí sinh vi phạm quy chế, sẽ dẫn đến phạm quy, do cán bộ giám sát không được bước vào phòng thi trong thời gian làm bài theo quy định, nhằm phòng, tránh tăng khả năng lộ, lọt đề thi…

Chúng ta có thể thấy, quy chế kỳ thi quốc gia được xây dựng công phu, qua nhiều năm đúc kết, không có mục tiêu nào khác ngoài đảm bảo tính công bằng, minh bạch cho tất cả thí sinh tham dự tại các hội đồng thi trên toàn quốc.

Những sự “linh hoạt vận dụng”, thậm chí là “sáng tạo” theo cách hiểu lệch lạc từ nhận thức cá nhân trong quá trình tham gia làm nhiệm vụ tại các kỳ thi, dù có thể xuất phát động cơ rất trong sáng, với suy nghĩ giản đơn, cho rằng, như thế là “ưu việt hơn, nhân văn hơn” cho thí sinh, nhưng thật ra, vô tình đã duy ý chí tạo nên sự bất công, mất trật tự, phá vỡ tính kỷ luật, vốn là điều tối cần thiết để tổ chức thành công công tác thi cử quốc gia.

Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, khi kỳ thi diễn ra trong tình hình dịch bệnh, ngoài quy chế trường thi, lực lượng làm nhiệm vụ còn phải nắm vững các quy định an toàn phòng chống dịch cho kỳ thi. Do vậy, một quyết định phá vỡ nguyên tắc, quy định càng có thể dẫn đến các hệ lụy khác mà bản thân một cá nhân khó ước lượng hết, nên càng cần nắm vững, bám sát và thực hiện đúng theo quy chế, quy định của kỳ thi, sự việc nào ngoài phạm vi quyền hạn theo nhiệm vụ được giao, phải báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền tại điểm thi, hội đồng thi.

Càng không nên đánh tráo khái niệm giữ nghiêm quy tắc tại các phòng thi, điểm thi và sự linh hoạt vận dụng, sáng tạo trong hoạt động giáo dục - đào tạo với không gian và thời gian rộng lớn hơn.