Hai tuần vừa qua, để ứng phó với tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, học sinh các cấp học trên cả nước đã được nghỉ học. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng xem xét việc lùi thời gian kết thúc năm học. Điều này đã dẫn đến một tình huống khác trong bức tranh giáo dục Việt Nam – nhiều trường nhanh chóng áp dụng phương pháp dạy và học trực tuyến cho học sinh trong thời gian nghỉ. Việc duy trì các hình thức học tập trực tuyến này liệu có được phát huy trong thời gian tới?
Xung quanh vấn đề này, VOH thực hiện toạ đàm “Cơ hội phát triển E-Learning từ việc dạy online đối phó dịch bệnh”, với chủ đề "Học online mở ra nhiều cơ hội "
Tọa đàm với sự tham gia của các khách mời: Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh; Thạc sĩ Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh; Thạc sĩ Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh.
3 khách mời (ngồi phía trước) tham gia tọa đàm.
* VOH: Thông qua các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội phù hợp, nhiều trường đã có những hình thức chuyển tải kiến thức đến cho học sinh khác nhau. Từ thực tế này, liệu, chúng ta có quyền kỳ vọng hình thức đào tạo trực tuyến sẽ có cơ hội được áp dụng mạnh mẽ, rộng khắp ở các đơn vị trường học hay không?
Thạc sĩ Lê Ngọc Điệp:
Tôi nghĩ dịch bệnh cũng là một cơ hội giáo dục nhìn lại việc dạy học. Thời đại công nghệ này, xã hội đều thay đổi. Giáo dục theo lẽ phải đi trước, nhưng hiện thành phố người đông đất nhỏ, trường học không kịp thay đổi. Nếu năm nay, sỉ số trường học vẫn 40-50 học sinh là một điều nghịch lý. Nếu giáo dục chỉ lo sách giáo khoa, in sách giáo khoa, lựa chọn sách giáo khoa nào, là một cái tội cho học sinh. Hiện nay, ở Thái Lan, Singapore, môi trường học tập đã hoàn toàn khác. Nhân cơ hội này, tại sao chúng ta hay những người chịu trách nhiệm về giáo dục không nghĩ đến một hình thức học tập khác. Đó là, hiện nay, chúng ta đã có nhiều phương tiện công nghệ thông tin, chúng ta sẽ dạy theo các hình thức công nghệ thông tin này. Ví dụ, học sinh mầm non 4-5 tuổi các em đã thao tác trên điện thoại thông minh rất nhanh và tới lớp 1 là tôi phải học hỏi các cháu chơi game như thế nào. Các em thao tác rất nhanh. Điện thoại thông minh có giá để phụ huynh chấp nhận được cũng không cao lắm. Chúng ta phải thay đổi tư duy, thay đổi suy nghĩ để dạy học sinh. Tức là, thay vì những bài học khô khan, trên bảng, thì chúng ta có thể xem dạy học như hình thức chơi game, trong đó, kiến thức và các hoạt động, các kỹ năng vào trí não các em lúc nào không hay. Khi đó, chúng ta mới thay đổi cái tư duy giáo dục, trong thời đại 4.0, 5.0, 6.0... Tôi mong rằng, người có trách nhiệm về giáo dục phải suy nghĩ và phải đi trước xã hội, đi trước thời đại.
* VOH: Trong bối cảnh hiện nay, việc dạy và học online để đối phó dịch bệnh, những thuận lợi, khó khăn là gì?
Thạc sĩ Nguyễn Đăng Lý:
Ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy không có gì mới cả. Tôi làm thường xuyên. Dạy trực tuyến thuận lợi như; người học và người dạy không cần gặp nhau. Đặc biệt, mùa dịch này, không gặp nhau càng nhiều càng tốt. Việc dạy trực tuyến giúp được việc đó. Giáo viên vẫn có thể truyền tải được kiến thức và theo dõi được tiến độ học của học trò.
Cái bất lợi lớn nhất của trực tuyến là, chính vì không gặp nhau cho nên sự giám sát không có. Ví dụ trong giáo dục dạy nghề của chúng tôi, một số môn bắt buộc phải cầm tay chỉ việc thì không thể trực tuyến. Một khó khăn nữa là do không gặp nhau nên không kiểm soát được bài giảng. Ví dụ, đối với bậc THPT không phải em nào cũng ý thức học tốt.
* VOH: Vậy nhà trường chọn giải pháp nào để tối ưu hoá việc dạy học trực tuyến hiệu quả?
Thạc sĩ Nguyễn Đăng Lý:
Để các em ngồi trên máy tính, điện thoại để chơi nguyên ngày thì các em thích lắm. Nhưng bắt các em ngồi trên máy tính, điện thoại để học nguyên buổi là một cực hình. Từ kinh nghiệm thực tế, tôi biến tấu hình thức thay vì 1 buổi học 2 môn, 1 môn 2 tiết (90 phút), tôi yêu cầu giảng 15 phút thôi. Quay clip và phát trên nhiều kênh: fanpage, youtube của trường... Còn lại 75 phút, các em vô một room riêng. Trước đây, tôi sử dụng phần mêm Skype nhưng thấy vẫn chưa đạt nên lần này tôi sử dụng phần mềm của Microsoft để mà các em vô room đó. Mỗi room/lớp khoảng 30-40 học sinh. Giáo viên sẽ điểm danh từng em, giao bài tập cho từng em. Các em gửi lại giáo viên bằng cách chụp hình hoặc gửi qua drive. Lúc đó sẽ kiểm soát được. Đến giờ này nhà trường triển khai rất hiệu quả.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Kim Hồng:
Phải nói thật là truyền thông và việc sử dụng kỹ thuật trong lĩnh vực dạy học phát triển khá nhanh. Có rất nhiều nền tảng để dạy. Dễ dàng hơn là facebook, rồi Microsoft, Skype, và cả những cái chuyên nghiệp hơn.
Lợi ích rất nhiều, trong đó lợi ích ít người để ý đó là cá thể việc dạy học. Chúng ta đang dạy khoảng 40-45 học sinh/lớp ở TPHCM, nếu sử dụng kỹ thuật, truyền thông của thời đại số, chúng ta có thể cá biệt hoá, cá thể hoá việc dạy học đến từng em. Đó là mong muốn của những người làm giáo dục và là điều kiện cần thiết đối với việc phát triển hiện nay.
* VOH: Để việc dạy học online áp dụng có hiệu quả trong môi trường học đường, không chỉ dựa vào công nghệ là đủ, mà cần sự tham gia tích cực của giáo viên, giảng viên. Vậy, người thầy trong bối cảnh này, cần làm gì?
Thạc sĩ Nguyễn Đăng Lý:
Ngoài nghiệp vụ, người thầy cần phải tiếp cận công nghệ. Kỹ năng dạy truyền thống hoàn toàn khác dạy trên online. Một số trường, các giáo viên dạy trực tuyến luôn có hệ số cao hơn dạy trực tiếp và tôi thấy hoàn toàn xứng đáng. Kiến thức chuyên môn là bắt buộc phải có nhưng cần có thêm kỹ năng cảm nhận mức độ hiểu của người đối diện, thông qua một màn hình. Ngoài ra, phải ứng dụng được công nghệ.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Kim Hồng:
Công sức giáo viên và học sinh bỏ ra trong dạy và học online bao giờ cũng nhiều hơn dạy và học truyền thống. Tất nhiên, khi anh bỏ công sức ra nhiều thì hiệu quả với người học sẽ tốt hơn. Theo nghiên cứu của Hoa Kỳ, trẻ em học tại nhà, học hoàn toàn online, kỹ năng đọc tốt hơn rất nhiều so với những em học trên lớp.
* VOH: Cám ơn các vị khách mời!
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ lùi thời gian kết thúc năm học: Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ có công văn hỏa tốc đề nghị kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh, sinh viên, học viên do dịch bệnh Covid-19.