Học sinh trường tiên tiến hội nhập định hướng chuẩn khu vực và quốc tế

(VOH) - Sáng nay, 25/9, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác xây dựng trường tiểu học thực hiện mô hình trường tiên tiến theo xu thế hội nhập và quốc tế năm học 2018-2019.

Đây là hội nghị thường niên nhằm đánh giá rà soát để có định hướng phát triển mô hình tốt hơn.

Tính đến năm 2018-2019, sau 5 năm Đề án xây dựng Tiểu học thực hiện mô hình trường tiên tiến theo xu thế hội nhập và quốc tế được phê duyệt, thành phố có 12 trường triển khai thực hiện mô hình này. Trong năm học mới, có thêm 1 trường đăng kí tham gia mô hình là Trường Tiểu học Linh Chiểu, Quận Thủ Đức.

Thực hiện mô hình trường Tiên tiến hiện đại hội nhập, các đơn vị được tổ chức trên cơ sở tài chính kết hợp giữa ngân sách nhà nước và xây dựng mức thu theo thỏa thuận với phụ huynh để trang trải chi phí đào tạo, nhưng không được quá 1,5 triệu đồng/học sinh/tháng.

Học sinh , quốc tế

Học sinh Trường Tiểu học Tân Sơn Nhì trong giờ học Tiếng Anh và Tin học

Ngoài ra, các trường cố gắng duy trì tuyển sinh với sỉ số bình quân khoảng 30 học sinh/lớp, cơ sở vật chất được đầu tư theo hướng hiện đại, với các phòng học chức năng, màn hình tương tác phục vụ cho việc dạy và học.

Học sinh được học Tiếng Anh với giáo viên bản ngữ, hướng đến khi ra trường trên 50% học sinh đạt chuẩn quốc tế về Tiếng Anh và tin học. Bên cạnh đó, học sinh còn được tổ chức tham gia các câu lạc bộ năng khiếu nghệ thuật, thể dục thể thao, được học tập các nội dung như STEM, robotic, trải nghiệm, ... để phát huy được năng lực, tố chất của mình.

Tuy nhiên, mô hình hiện chỉ triển khai được tại 50% số quận huyện.

So với định hướng mỗi quận huyện xây dựng mô hình ở 3 trường thuộc 3 cấp học còn một khoảng cách. Các nguyên nhân được đưa ra như áp lực dân số, khó khăn trong tuyển dụng giáo viên tiếng Anh và tin học, công tác tuyển sinh được thực hiện theo phân tuyến địa bàn nên khó khăn trong việc tuyển chọn đối tượng học sinh phù hợp.

Ngoài ra, theo bà Mai Thị Kim Phượng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tân Sơn Nhì, Quận 12, phân bố thời lượng chương trình cũng cần cho các trường được chủ động hơn: "Chúng tôi muốn đưa nhiều hoạt động vào nhưng bị bó buộc về thời gian. Tất nhiên phải đảm bảo chương trình chính khoá. Trường chúng tôi triển khai mô hình tiếng anh Tích hợp và Tăng cường nên 8 tiết/tuần. Bên cạnh đó có 23-25 tiết chính khoá, nên chỉ còn một vài tiết tham gia hoạ động trải nghiệm và kỹ năng sống.

Nhà trường xin hướng gợi mở để có thể chủ động chương trình. Bởi vì hội nhập quốc tế không chỉ quan tâm kiến thức mà còn phải có kỹ năng".

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học 2020-2021, ngành giáo dục thành phố cùng với cả nước triển khai thực hiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Để chuẩn bị cho công tác này, các quận huyện cần tích cực rà soát, xây dựng cơ sở vật chất để đảm bảo yêu cầu trường lớp. Đây cũng là dịp để các địa phương quy hoạch mạng lưới trường lớp thực hiện song song chương trình giáo dục phổ thông mới cũng như tiếp tục mở rộng triển khai hiệu quả mô hình trường tiên tiến, hội nhập.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho rằng dù còn một số khó khăn, các quận huyện cần tiếp tục quy hoạch và phát triển mô hình. Qua đó tạo các mô hình điểm tổ chức hoạt động giáo dục toàn diện cho học sinh theo xu thế hội nhập:

Mô hình trường tiên tiến hội nhập không chỉ là cơ sở vật chất, không chỉ là thu mức thu cao hơn mà mong muốn lớn nhất của ngành là chất lượng đội ngũ, giáo viên phải được nâng lên một bậc, tạo được điều kiện phát triển tốt nhất cho học sinh. Giáo viên phải làm sao cho học sinh trường tiên tiến hiện đại mang dáng dấp của một học sinh của khu vực của quốc tế".