Hội nghị Khoa học Quốc gia về Nghiên cứu và Giảng dạy Sinh học tại Việt Nam – lần thứ 5 (BRE2022) do Trường Đại học Quốc tế (ĐHQG-HCM) đăng cai tổ chức trong 3 ngày 26, 27 và 28/8/2022.
Hội nghị thu hút gần 30 chuyên gia đầu ngành, 20 đơn vị và doanh nghiệp trong lĩnh vực sinh học tham gia. Khoảng 130 bài báo khoa học tham gia đóng góp chia sẻ trong hội nghị với nhiều đề tài hấp dẫn như: Công nghệ giải trình tự gen thế hệ mới trong chẩn đoán các bệnh hiếm gặp ở Việt Nam; Các hệ sinh thái và môi trường biển: thực trạng, cơ hội và thách thức; Giáo dục môi trường thông qua hoạt động trải nghiệm phân loại và tái chế rác thải làm phân hữu cơ cho sinh viên sư phạm Sinh học ở Trường Đại học Quảng Nam; Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học hướng tới thập kỷ phục hồi hệ sinh thái…
Xem thêm: 4/4 học sinh Việt Nam đoạt giải tại Olympic Sinh học quốc tế 2022
Về vấn đề nghiên cứu khoa học giáo dục và giảng dạy sinh học ở Việt Nam, theo PGS. TS. Nguyễn Văn Hiền – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Giảng viên cao cấp Bộ môn Lý luận và Phương pháp dạy học sinh học, nếu giáo dục chỉ rèn học sinh ghi nhớ thông tin thì sẽ “thua” trí tuệ nhân tạo. Do đó, người giáo viên nói chung và giáo viên dạy môn sinh học nói riêng cần hướng đến dạy cho học trò cách tiếp nhận và xử lý thông tin mình thu nhận được trong quá trình học tập.
PGS. TS. Nguyễn Văn Hiền cho rằng: “Giáo viên sinh học trước hết phải là một nhà giáo dục sinh học (chứ không phải thợ dạy), giúp học trò hiểu kiến thức sinh học liên quan gì tới thực tiễn; nhìn thấy năng lực của học trò và truyền cảm hứng, thúc đẩy học trò… Ngoài ra, giáo viên cần có tri thức về công nghệ, sử dụng công nghệ thông minh trong giảng dạy, đặc biệt là dạy học tích hợp là xu thế không thể tránh khỏi, do đó cần ứng dụng STEM trong thí nghiệm…”.
Các đại biểu là giáo sư, tiến sĩ, các giảng viên nhiều trường Đại học trong cả nước cũng đưa ra các báo cáo chuyên môn như: Đào tạo giáo viên sinh học ở Việt Nam trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0; Tổ chức dạy học theo định hướng STEM trong phần Sinh học vi sinh vật và virus (Sinh học 10) dựa trên mô hình 6E; Tích hợp tin sinh học trong dạy học sinh học ở trường phổ thông Việt Nam; Dạy học thực hành thí nghiệm trong chuyên đề 10.2 Công nghệ enzyme và ứng dụng…
Tại hội thảo, các nhà khoa học cũng trao đổi các báo cáo xoay quanh các nghiên cứu cơ bản trong sinh học, nghiên cứu ứng dụng sinh học phục vụ đời sống & phát triển xã hội như: Xác định và phân tích chức năng sinh học của một số protein kinase hoạt hóa nguyên phân (MAPK) ở nấm gây bệnh Mucor circinelloides; Công nghệ lên men sản xuất bột ngọt bền vững với môi trường; Nghiên cứu chế tạo vật liệu biocellulose tự hủy sinh học từ Acetobacter xylinum ứng dụng bọc và bảo quản thực phẩm…
Hội nghị Khoa học Quốc gia về Nghiên cứu và Giảng dạy Sinh học tại Việt Nam là diễn đàn uy tín chất lượng trong lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy Sinh học ở Việt Nam, được tổ chức định kỳ hai năm một lần để các nhà khoa học, các nhà giáo dục và các nhà quản lý có thể công bố thành quả các nghiên cứu mới, thảo luận tìm ra những hướng đi thích hợp cho trong bối cảnh mới. Và đặc biệt, đây được xem là cơ hội giao lưu với các công ty và doanh nghiệp hoạt động trong cùng lĩnh vực tại Việt Nam.
PGS. TS. Nguyễn Văn Thuận - Trưởng Khoa CNSH, Phó trưởng ban tổ chức Hội nghị – chia sẻ: “Sinh học và Công nghệ sinh học (CNSH) là một trong ba trụ cột chính của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đóng vai trò quan trọng trong đời sống và phát triển kinh tế xã hội. Tiếp nối sự thành công của Hội nghị trong những năm qua, đồng thời đứng trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chủ động hội nhập quốc tế, Hội nghị BRE2022 được tổ chức với kỳ vọng mang đến những thay đổi có tính đột phá về giảng dạy và nghiên cứu sinh học trong tình hình mới”.