Vài năm trở lại đây, các cuộc thi sáng tạo, khởi nghiệp đã được tổ chức ở nhiều quy mô khác nhau. Ngay tại các trường Đại học, các cuộc thi như thế này bước đầu đã trở thành “bệ phóng” cho các ý tưởng mới mẻ của sinh viên.
Cuộc Bach Khoa Innovation được tổ chức hàng năm bởi trường Đại học Bách Khoa (ĐHQG-HCM) với sự hỗ trợ của Sở KHCN TPHCM không chỉ tạo ra sân chơi bổ ích và thú vị cho các bạn trẻ có mong muốn tự sáng tạo ra các sản phẩm góp phần vào sự phát triển của xã hội mà còn là nơi ươm mầm cho các startup tương lai.
Một số đề tài/dự án của cuộc thi Bach Khoa Innovation sau đó đã được ươm mầm thành công và thương mại hóa sản phẩm. Tiêu biểu như dự án Trà an thần Asssamica – đạt giải Nhất Bach Khoa Innovation 2021.
Nguyễn Long Hoàng (cựu sinh viên trường Đại học Bách khoa) - Trưởng nhóm Trà an thần Asssamica cho biết, sau khi chiến thắng ở Bach Khoa Innovation 2021 và nhiều giải khác về khởi nghiệp, Hoàng đã quyết tâm theo đuổi dự án này. Được các thầy, cô ở trường Đại học Bách khoa hướng dẫn hoàn thiện sản phẩm, hồ sơ và các đối tác cùng đồng sáng lập, Hoàng và các cộng sự đã từng bước thành lập xây dựng dây chuyền sản xuất, hiện thực hóa ước mơ thương mại hóa sản phẩm.
Hoàng cho biết, hiện Trà an thần Asssamica có 4 dòng sản phẩm gồm: trà túi lọc, trà hòa tan, trà đóng chai và trà ly tiện dụng. Những kết quả kiểm nghiệm chứng minh tính an toàn của trà bên cạnh công dụng chống lão hóa, giúp người bị mất ngủ khi dùng có thể từ từ vào giấc ngủ một cách tự nhiên.
Dự án Blocky từng đạt giải Nhì cuộc thi Bach Khoa Innovation 2018 với nhiều thành viên là sinh viên Bách khoa, đã “chinh chiến” và đạt nhiều giải thưởng lớn nhỏ ở các cuộc thi nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ như TMA Techday 2017 (giải Nhất), IoT Startup 2018 (giải Ba), Mastermind 2018 (giải Nhì).
Dự án đã được ươm tạo thành công và thương mại hóa từ 2018. Các sản phẩm được ưa chuộng của Blocky như bộ kit giúp trẻ “vọc” cách thiết kế hệ thống bật/tắt đèn tự động, hệ thống an ninh… Bên cạnh đó, Blocky còn xây dựng hệ thống khóa học trực tuyến dành cho mọi lứa tuổi quan tâm và yêu thích STEM.
Dự án Easy Location của nhóm tác giả trường Đại học Bách khoa và Đại học Kinh tế TPHCM đạt đồng giải Nhất cuộc thi Bach Khoa Innovation và cuộc thi Business Idea trong cùng năm 2018 với những ứng dụng đơn giản, thiết thực trong việc tìm kiếm địa điểm. Đây là một ứng dụng dùng kỹ thuật Voice Control (nhập giọng nói) và AI (thông minh nhân tạo) nâng cao kết quả tìm kiếm trong lĩnh vực thuê bất động sản. Mục đích nhằm nâng cao kết quả tìm kiếm lên trên 80% khi so sánh với tìm kiếm bằng từ khóa (chỉ khoảng 25% và rất phức tạp).
Theo thành viên nhóm Phạm Hồng Hơn, dự án đã được chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp. Riêng Hơn hiện đang đi làm ở Singapore, tích lũy kinh nghiệm để quay lại đam mê khởi nghiệp trong thời gian gần nhất.
Gần đây nhất là dự án Bánh Castella cao cấp giàu chất xơ của nhóm Pantasia vừa đạt giải Quán quân Bách khoa Innovation năm 2022.
"Trong dự án này, việc thay thế một phần bột mì bằng nguyên liệu giàu xơ được thực hiện với đối tượng là thạch dừa thô hay còn được gọi là Nata de coco. Thạch dừa có hàm lượng cellulose vi khuẩn rất cao. Không giống như các nguồn xơ thực vật khác, với tên gọi là cellulose vi khuẩn, loại chất xơ này được bắt nguồn từ vi sinh vật.
Đây chính là một điểm đột phá trong dự án Kokosa Cloud Castella. Dự án đã tiên phong, linh hoạt trong việc tìm ra công thức cũng như phương pháp chế biến thành công trong việc sử dụng thạch dừa thô kết hợp vào bánh Castella, cho ra đời một loại thực phẩm chức năng với hương vị thơm ngon hảo hạng" - Trần Hoàng Khánh Linh, nhóm trưởng chia sẻ.
Sản phẩm bánh Castella cao cấp giàu xơ của nhóm Pantasia đã nhận được nhiều đánh giá tích cực sau buổi cảm quan, cho phép người tiêu dùng có thể thoải mái ăn bánh ngọt với một lượng calories thấp hơn bánh truyền thống cũng như hướng đến một lối sống lành mạnh và một xã hội bền vững.
PGS. TS Nguyễn Đình Quân - Trưởng phòng thí nghiệm Nhiên liệu sinh học và Biomass - hướng dẫn nhóm cho hay, hiện dự án đang được quan tâm và trong quá trình đàm phán với doanh nghiệp để đầu tư thương mại hóa sản phẩm với giá trị khoảng 3-4 tỷ đồng.
Chưa bao giờ, các cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dành cho học sinh – sinh viên lại được tổ chức rầm rộ như hiện nay. Với việc không giới hạn lĩnh vực đăng ký tham gia cũng như khuyến khích các đề tài ứng dụng đã được học tại trường, các ý tưởng tham gia cuộc thi ngày càng có tính gần gũi và ứng dụng cao.
Hơn nữa, với mục tiêu là tạo môi trường cho sinh viên có cơ hội tích lũy kiến thức, trải nghiệm về khởi nghiệp, về phát triển sản phẩm, Ban tổ chức các cuộc thi ngày càng chú trọng tới việc tạo điều kiện cho các đội thi tham gia các buổi hội thảo nâng cao kỹ năng, kiến thức và được hỗ trợ cố vấn chuyên môn từ các chuyên gia, giảng viên và hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ...
Dưới sự dẫn dắt của các giảng viên, sự hỗ trợ của nhà trường cũng như sự kết nối với doanh nghiệp, các cuộc thi sáng tạo ngày càng trở nên ý nghĩa đối với các sinh viên có ý định khởi nghiệp. Đó cũng là một nền tảng tốt để sinh viên có thể biến ý tưởng thành sản phẩm và biến sản phẩm từ phòng thí nghiệm thành một sản phẩm hưu ích phục vụ cho xã hội.