Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Khởi động cuộc khi khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho học sinh, sinh viên tại TPHCM

(VOH) - Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo "Bach Khoa Innovation lần VI năm 2023” dành cho tất cả học sinh THPT, sinh viên tại TPHCM và các tỉnh thành lân cận đã được khởi động.

Cuộc thi do trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) tổ chức với sự đồng hành của Sở Khoa học & Công nghệ TPHCM - triển khai từ ngày 4/3/2023 và kéo dài đến tháng 7/2023.

Ban tổ chức khuyến khích học sinh, sinh viên tham gia với các đề tài/dự án ứng dụng được các kiến thức đã được học tại trường liên quan tới các chuyên ngành như: khoa học và kỹ thuật máy tính, điện – điện tử, cơ khí – cơ điện tử, kỹ thuật hóa học, xây dựng, môi trường, giao thông, địa chất – dầu khí, quản lý công nghiệp, vật liệu, khoa học ứng dụng, bảo dưỡng công nghiệp…; Khuyến khích đề tài mới mẻ, giải quyết các vấn đề hiện tại của xã hội.

Tham gia cuộc thi Bach Khoa Innovation, các thí sinh sẽ được hỗ trợ kiến thức (Sở hữu trí tuệ, lập kế hoạch kinh doanh, quản lý dự án...), kỹ năng viết và thuyết trình dự án bằng tiếng Anh cũng như trải nghiệm thực tế qua các chuyến tham quan doanh nghiệp…

Bach Khoa Innovation
Dự án xuyên thấm nước được giới thiệu tại cuộc thi Bach Khoa Innovation 2022.

PGS. TS. Nguyễn Danh Thảo - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa đánh giá: “Việc thúc đẩy các ý tưởng, sáng kiến trong người trẻ là cần thiết bởi đây là nguồn nhân lực tiềm năng trong tương lai. Nhà trường và Trung tâm ươm tạo sẽ liên kết với các doanh nghiệp để tăng cường nghiên cứu, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học nhằm tạo đầu ra cho sản phẩm khả thi của các bạn”.

Bach Khoa Innovation là cuộc thi sáng tạo có sự kết hợp giữa khoa học, công nghệ với mô hình kinh doanh thực tiễn, giúp các bạn trẻ có cơ hội hiện thực hóa những ý tưởng khởi nghiệp của mình.

Qua 5 lần tổ chức kể từ năm 2018, Bach Khoa Innovation đã thu hút khoảng 1.000 sinh viên đến từ 15 trường đại học tham gia. Bên cạnh đó, 20 doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng liên tục đồng hành cùng cuộc thi nhằm hỗ trợ nguồn lực ươm mầm tài năng trẻ.

Theo Sở Khoa học & Công nghệ TPHCM, mô hình liên kết Nhà nước – Nhà trường – Doanh nghiệp có thể được ví như kiềng ba chân trong việc thiết lập hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo bền vững. Mỗi bên đều có vai trò và thế mạnh riêng, hướng đến việc tạo trợ lực cho nhau và Trường Đại học Bách khoa là một đơn vị trợ lực không thể thiếu.

Bên cạnh đó, sự dẫn dắt của Sở Khoa học & Công nghệ đã và đang tạo điều kiện tốt nhất cho trường thực hiện các chương trình kết nối với doanh nghiệp để phát triển các sản phẩm công nghệ phục vụ cho nhu cầu của thành phố, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đọc thêm: Trường đại học là nhân tố quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp của TPHCM

Tại cuộc thi Bach khoa Innovation năm 2022 đã xuất hiện nhiều dự án nổi bật như Bánh Castella giàu chất xơ, thay thế bột mì bằng thạch dừa thô làm giảm lượng calories so với bánh truyền thống; “Gạch Pussy” xuyên thấm nước, tái tạo nguồn nước ngầm, chống xâm nhập mặn và xói mòn đất; Coconutic - vật liệu thay thế nhựa được sản xuất từ cellulose; Hệ thống Logistics tối ưu cho tái chế hữu cơ...

Đặc biệt, dự án Coconutic được trao giải Môi trường và Xây dựng Bền vững tại cuộc thi INSEE Prize 2022 và dự án Hệ thống Logistics tối ưu cho tái chế hữu cơ đạt giải Giải pháp hiệu quả nhất cuộc thi "Đổi mới sáng tạo kỹ thuật eProjects".

Hệ thống Logistics tối ưu cho tái chế hữu cơ đã được thử nghiệm ở một trang trại nuôi trùn quế ở huyện Củ Chi (TPHCM) trong việc thu gom rác hữu cơ từ những người dân trong khu vực để về ủ phân trùn quế. 

Bình luận