Kỳ vọng mô hình trường tiên tiến hội nhập sẽ là niềm tự hào của nền giáo dục Thành phố

(VOH) - Chỉ trong 5 năm triển khai, tổng số trường triển khai mô hình tăng gấp đôi.

Tại hội thảo tổng kết và lấy ý kiến dự thảo quyết định về mô hình "Trường tiên tiến, theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh", diễn ra vào chiều 18/5, các đại biểu cho rằng mô hình mang lại nhiều lợi ích cho học sinh, kỳ vọng sẽ là niềm tự hào cho nền giáo dục Thành phố.

Mô hình trường tiên tiến hội nhập triển khai thí điểm ban đầu tại trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn vào năm 2005. Sau gần 10 năm thí điểm, năm 2014, UBND Thành phố chính thức ban hành tiêu chí trường Tiên tiến, theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế.

Chỉ trong 5 năm triển khai, tổng số trường triển khai mô hình tăng gấp đôi. Hiện thành phố có 40 trường đang triển khai mô hình, mang đến cho học sinh môi trường học tập chất lượng cao với mức chi phí phù hợp. Mô hình còn cụ thể hoá chủ trương xã hội hoá giáo dục của nhà nước và Thành phố.

Kỳ vọng mô hình trường tiên tiến hội nhập sẽ là niềm tự hào của nền giáo dục Thành phố 1

Ông Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng Trung học phổ thông Lê Quý Đôn

Ông Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng Trung học phổ thông Lê Quý Đôn cho biết mô hình đã mang lại sự thay đổi trong trong công tác dạy và học. 100% giáo viên thay đổi phương pháp dạy học và sử dụng tốt các phương tiện thiết bị dạy học hiện đại: "Học sinh chuyển đổi từ lĩnh hội tri thức thụ động sang chủ động, phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu, tự tìm tòi tư liệu mở rộng kiến thức theo sự hướng dẫn của giáo viên. Học sinh phát triển năng lực ngoại ngữ với đủ các kỹ năng ngh nói đọc viết và năng lực sử dụng ứng dụng các phần mềm tin học. Được rèn luyện nhiều kỹ năng thiết thực phát hiện và phát triển năng khiếu cho cá nhân".

Bên cạnh những hiệu quả trong công tác dạy và học, sau 5 năm triển khai một số tiêu chí trong xây dựng mô hình đã không còn phù hợp. Chẳng hạn mức phí 1.500.000 đồng/tháng nhưng mức chi cho các yêu cầu chuẩn đầu ra tin học, ngoại ngữ, giáo viên bản ngữ, lệ phí thi các chứng chỉ quốc tế, các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, kỹ năng ... đều tăng lên, nên mức đóng góp nay đã không  còn phù hợp. Ngoài ra, áp lực trường lớp, yêu cầu đảm bảo chổ học cho học sinh trên địa bàn cũng đặt mô hình trường tiên tiến hội nhập vào việc phải cân nhắc điều chỉnh tăng số lượng học sinh trên lớp. Điều này lại gây ảnh hưởng đến mục tiêu và chất lượng giáo dục của mô hình.

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng: "Đến thời điểm đã phải điều chỉnh. Ví dụ: mục tiêu, quy mô, cơ sở pháp lý, những vấn đề để có thể giải quyết các mâu thuẫn giữa giáo dục mũi nhọn, nâng cao chất lượng nền tảng để thành phố có được nguồn nhân lực chất lượng quốc tế với việc áp lực (chỗ học). Giải quyết mâu thuẫn giữa việc ban hành các tiêu chí như thế nào để các trường cụ thể ở các địa phương quận huyện cụ thể.. để có thể xây dựng đề án thành công" .

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND Thành phố cho rằng sự tồn tại của một mô hình được quyết định bởi mức độ hợp lý của mô hình đó. Hầu hết các ý kiến của đại diện các trường đều rất tâm huyết và cho rằng mô hình xứng đáng để tồn tại. Sở Giáo dục và Đào tạo cần xác định rõ mục tiêu, những gì điều chỉnh, xác định khung pháp lý, mức chi phí phân bổ cho công tác giáo dục và con người...

Ông Dương Anh Đức khẳng định: "Cần tôn trọng quy luật về giá trị. Muốn nhà trường đào tạo được chất lượng tốt cần xác định được giá trị đầu tư, xuất đầu tư cho mỗi học sinh. Trong đó, cần tính được phần của Nhà nước, xã hội và của phụ huynh. Tôi mong rằng, Sở Giáo dục và Đào tạo xem xét toàn diện mô hình để có lộ trình thực sự tốt để xây dựng được mô hình kỳ vọng sẽ là niềm tự hào của nền giáo dục Thành phố".

Theo dự thảo các quy định Trường Tiên tiến hội nhập, 95% học sinh thường xuyên tham gia hoạt động thể thao ngoại khoá; ít nhất 50% học sinh tiểu học đạt chuẩn Tiếng Anh và Tin học  quốc tế; ít nhất 90% học sinh THCS sử dụng Tiếng Anh đạt trình độ A2 trở lên; ít nhất 90% học sinh THPT sử dụng Tiếng Anh đạt trình độ B1 trở lên...

Bình luận