Tiêu điểm: Nhân Humanity

Muốn đi du học, cần có định hướng sớm và lộ trình học phù hợp

VOH - Ngày nay, việc đi du học đã trở nên dễ dàng hơn do các bạn trẻ có thể tiếp cận nhiều thông tin và tự xây dựng được lộ trình học tập hợp lý để “săn học bổng”.

Chia sẻ về điều kiện cần để có thể “săn được học bổng” hai cựu sinh viên của trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) - từng được trao học bổng du học Pháp - chia sẻ, nếu muốn đi du học, sinh viên cần có định hướng sớm về việc học ngành gì, trường nào, học như thế nào để có lộ trình học phù hợp.

Kết quả học tập loại giỏi, hoạt động ngoại khóa tích cực, có năng lực sử dụng tiếng Anh và thêm một ngoại ngữ thứ hai nữa sẽ là những yếu tố quan trọng để sinh viên dễ dàng hơn trong việc xin học bổng. Đặc biệt, điểm trung bình tích lũy sẽ là tiêu chí tiên quyết để xác định sinh viên được trao học bổng hay không.

Xem thêm: Chàng sinh viên ưu tú quyết tâm du học với mục tiêu “đi để trở về”

Chọn chương trình học khó để... rèn luyện mình

Sau 4 năm theo học chuyên ngành Xây dựng dân dụng – Công nghiệp và Hiệu quả năng lượng, Chương trình Kỹ sư Việt-Pháp - PFIEV tại trường Đại học Bách khoa, vào tháng 8/2018, Châu Anh Khoa được trao học bổng Eiffel - học bổng của Chính phủ Pháp dành cho sinh viên quốc tế, để tiếp tục học tại INSA Lyon (Học viện Khoa học Ứng dụng Quốc gia Lyon).

Theo Khoa, chương trình PFIEV trang bị cho sinh viên nhiều kiến thức cơ bản về ngành Xây dựng như Kiến trúc và Quy hoạch đô thị, Thiết kế và quản lý dự án, cho đến các vấn đề kỹ thuật như Kiến trúc, Nền móng và Kết cấu công trình hay Tối ưu hiệu năng vận hành của công trình (ánh sáng, âm thanh và năng lượng).

Điều này giúp sinh viên có cái nhìn rộng và đầy đủ về một dự án trong ngành Xây dựng, từ giai đoạn phát thảo, đánh giá tác động và tính khả thi cho đến giai đoạn phát triển, thiết kế chi tiết và sau đó là thi công và vận hành dự án. Tuy nhiên, xác định từ trước là chương trình học khá nặng nên Khoa không hướng tới mục tiêu phải học thật giỏi tất cả các môn học, mà nắm bắt những điều cơ bản nhất của các lĩnh vực khác nhau và xâu chuỗi lại.

Châu Anh Khoa
Du học tại Pháp cho Khoa nhiều trải nghiệm thú vị - Ảnh: NVCC

Châu Anh Khoa chia sẻ: “Chương trình đào tạo của PFIEV tương đồng với chương trình đào tạo ở INSA Lyon cũng như các trường Kỹ sư lớn tại Pháp, nên sau này mình không gặp quá nhiều khó khăn để thích nghi với môi trường học tập mới”.

Khoa cho hay, đa số các trường đại học ở Pháp bắt buộc sinh viên bản địa phải có ít nhất 6 tháng học trao đổi ở một quốc gia khác. “Điều đó cho thấy việc sinh viên đi học trao đổi là rất quan trọng trong chương trình đào tạo của các Trường” - Khoa khẳng định.

Sau hai năm học tại INSA Lyon, bên cạnh kiến thức học thuật, Khoa nhận thấy bản thân phát triển rất nhiều về tư duy, khả năng tự lập, kỹ năng ngoại ngữ và kỹ năng làm việc nhóm. 

Mình tốt nghiệp INSA và đi làm với công việc Kỹ sư kết cấu về cải tạo và sửa chữa công trình và di tích lịch sử tại Pháp vì mình muốn áp dụng các kiến thức được học vào thực tiễn và tiếp tục trải nghiệm cuộc sống tại Pháp.

Châu Anh Khoa
Châu Anh Khoa nhận bằng của trường INSA Lyon - Ảnh: NVCC

Sau hai năm đi làm, Khoa muốn phát triển sâu hơn về lĩnh vực Cơ học tính toán số nên đã tìm kiếm cơ hội làm nghiên cứu sinh tại phòng thí nghiệm LEM3 thuộc trường Đại học Lorraine tại Pháp. Khoa đang nỗ lực hoàn thành chương trình này.   

Nỗ lực để chạm mục tiêu du học Pháp

Ngô Đàm Dũng - sinh viên Chương trình PFIEV cũng là một trong những du học sinh Việt Nam tại Pháp nhờ chương trình học bổng trao đổi.

Với điểm trung bình tích lũy cao thời điểm còn học tại trường Đại học Bách khoa, nam sinh nhận được học bổng của GIFAS (Hiệp hội Hàng không Không gian Pháp) tại trường ISAE-ENSMA (Trường Đại học Quốc gia Cơ khí và Hàng không Pháp), chuyên ngành Công nghệ thông tin và Lập trình hệ thống nhúng.

Dũng chia sẻ: "Ngay từ đầu mình đã xác định mục tiêu là sẽ đi du học, cụ thể học học tại Pháp nên mình đã chọn học PFIEV và mình đã làm được”.

PFIEV là chương trình đào tạo thu hút được nhiều bạn rất giỏi và năng động, có đào tạo thêm ngoại ngữ thứ hai, trang bị nhiều kiến thức đa ngành không chỉ về kỹ thuật… nhưng cũng là chương trình đào tạo có khối lượng kiến thức lớn, đòi hỏi nhiều nỗ lực để hoàn thành. Với Dũng đó là cơ hội để rèn luyện và phát triển bản thân hoàn chỉnh – sẵn sàng cho cơ hội học tập tại Pháp.

Ngô Đàm Dũng
Ngô Đàm Dũng (ngoài cùng bên trái) cùng các bạn tại trường ISAE-ENSMA - Ảnh: NVCC

Trong khoảng thời gian học ở Bách Khoa, do chương trình học khá nặng nên Dũng ‘không quá hoạt bát trong các hoạt động ngoại khoá’ – theo bạn tự đánh giá. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian ở ISAE-ENSMA, Dũng trở nên hoạt bát hơn khi dành tối đa thời gian rảnh để tham gia vào các hoạt động ngoại khoá (piano, nhạc kịch, hip-hop và cầu long), cố gắng hòa mình vào cuộc sống sinh viên ở Pháp, qua đó cũng phát triển khả năng sử dụng tiếng Pháp của mình…

Dũng đánh giá, ISAE-ENSMA là trường mạnh về ngành hàng không, với mạng lưới hợp tác rộng rãi cùng nhiều trường đại học lớn ở Pháp và trên thế giới nên có nhiều cơ hội việc làm khi tốt nghiệp. Cựu sinh viên ISAE-ENSMA thường làm việc cho những tập đoàn lớn trong và ngoài lĩnh vực hàng không như Safran, Airbus, Thales, Dassaults.

Ở ISAE-ENSMA cũng có nhiều chuyên ngành để lựa chọn và mỗi ngành đều được phụ trách bởi những chuyên gia hàng đầu của Pháp, tấm bằng tốt nghiệp được đánh giá cao. Đặc biệt, trường có nhiều môn học thực hành sát với thực tế, nhiều đồ án trang bị kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tư duy phản biện, kỹ năng quản lý thời gian. Ngoài tiếng Pháp, ISAE-ENSMA còn cho phép sinh viên được chọn học thêm các ngoại ngữ khác như Đức, Ý, Tây Ban Nha, Nhật, Trung...

Đàm Dũng
Ngô Đàm Dũng tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa khi học tại ISAE-ENSMA - Ảnh: NVCC

Về hoạt động ngoại khóa, ISAE-ENSMA có nhiều câu lạc bộ và đội nhóm về văn hoá, thể thao, nghệ thuật và học thuật. Sinh viên còn có nhiều sự lựa chọn cho môn học thể dục như: bóng rổ, bóng chuyền, bóng đá, bơi lội bóng bầu dục, quần vợt, cầu lông…

Sau khi tốt nghiệp trường ISAE-ENSMA, Ngô Đàm Dũng đang làm kỹ sư Trí tuệ Nhân tạo cho công ty Drone VOLT - công ty Pháp chuyên sản xuất máy bay không người lái (UAV) để sử dụng cho ngành năng lượng.

Trong năm học 2021-2022, 10 sinh viên xuất sắc khóa 2018 Chương trình Kỹ sư Việt-Pháp tại trường Đại học Bách khoa đã nhận được các học bổng của nước Pháp để tham gia chương trình hợp tác đào tạo tại các trường đối tác Pháp như Trường IMT Atlantique, Viện Bách Khoa Quốc gia Toulouse, Trường Bách khoa Quốc gia Grenoble, Trường ISAE-ENSMA, Trường CentraleSupelec, Trường Quốc gia Khoa học Ứng dụng Lyon, Trường Ponts ParisTech... 

Bình luận