Năm học mới không gặp áp lực lớn vì thiếu giáo viên

(VOH) - Cùng với việc chuẩn bị cơ sở vật chất trường lớp, tuyển dụng giáo viên cũng là một vấn đề quan trọng quyết định sự thành công của năm học và chất lượng giáo dục đào tạo trong năm học mới.

VOH phỏng vấn ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM chung quanh cơ chế tuyển dụng và sử dụng nguồn nhân lực trong giáo dục.

*VOH: Thưa ông, số lượng giáo viên TPHCM hàng năm cần tuyển dụng thường lên đến hàng ngàn giáo viên. Tình hình tuyển dụng giáo viên cho năm học mới năm nay như thế nào? Áp lực tăng học sinh, trường lớp có ảnh hưởng gì đến nhu cầu cũng như khả năng đáp ứng của nguồn tuyển?

Ông Nguyễn Văn Hiếu: Năm học 2017-2018, TPHCM tăng thêm gần 60.000 học sinh các cấp, đặc biệt, tiểu học và mầm non mỗi cấp học tăng khoảng 20.000 em. Do đó, nhu cầu giáo viên tăng thêm gần 4.000 giáo viên nhưng ở tất cả quận huyện không gặp áp lực lớn bởi nguồn tuyển giáo viên lâu nay được ổn định.

Cụ thể, ở bậc mầm non và tiểu học ở các huyện ngoại thành được UBND TP cho phép tuyển giáo viên không có hộ khẩu thành phố từ nhiều năm nay. Riêng các quận vùng ven, giáo viên mầm non cũng được tuyển không quy định hộ khẩu. Hai cấp học này thiếu nhiều giáo viên nhất nên việc tuyển dụng giáo viên thời gian qua không gặp khó khăn về nguồn tuyển cho dù số học sinh hàng năm tăng rất cao.  

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc sở Giáo dục TPHCM.

*VOH: Chủ trương tuyển dụng cả giáo viên hộ khẩu tỉnh thời gian qua đã giúp nhiều cơ sở tuyển dụng được số lượng giáo viên cần thiết. Thời gian qua, việc này được thực hiện như thế nào, các tiêu chí tuyển dụng ra sao?

Ông Nguyễn Văn Hiếu: Yêu cầu của ngành GD&ĐT thánh phố là phải tuyển người có đủ năng lực vào các vị trí giảng dạy, không vì thiếu mà tuyển dụng không đảm bảo chất lượng. Chính vì vậy, chúng tôi cùng các quận huyện tổ chức, hướng dẫn  thực hiện việc tuyển dụng hàng năm.

THPT, GDTX năm nay thiếu gần 500 chỉ tiêu, nhưng số đăng ký dự tuyển hơn 1.000 hồ sơ. Có những môn chỉ tiêu tuyển rất ít như Sử, Địa... số lượng đăng ký cũng khá nhiều. Cho nên, chất lượng tiêu chí chúng ta không hề sút giảm.

Theo yêu cầu, giáo viên giảng dạy ở các cấp học như mầm non, tiểu học chỉ cần tốt nghiệp trung học sư phạm. Nhưng hiện nay, hầu hết giáo sinh, ứng viên đến dự tuyển đều có trình độ Cao đẳng, đại học. Riêng THPT, GDTX hầu hết tốt nghiệp đại học mới đủ điều kiện dự tuyển. Trừ các ngành như giáo dục thể chất có thể tốt nghiệp cao đẳng sư phạm thể dục thể thao.

Tuy nhiên, nguồn trên 1.000 ứng viên nộp hồ sơ, tỷ lệ đạt trình độ thạc sĩ rất cao, cho thấy nguồn tuyển và chất lượng tuyển hàng năm được nâng lên. Sắp tới đây, thành phố ban hành quyết định thay thế quyết định 03 về tuyển dụng, sử dụng đội ngũ công chức, viên chức trên địa bàn thành phố, sẽ không có điều kiện ràng buộc là hộ khẩu TPHCM. Đây là điều kiện rất tốt để các ứng viên không có hộ khẩu thành phố, có nhu cầu giảng dạy tại thành phố đăng ký dự tuyển, góp phần nâng cao nguồn tuyển cho thành phố.    

*VOH: Thực tế thời gian qua, không ít trường hợp giáo viên bỏ công theo tư hoặc chuyển ngành, có nguyên nhân chủ yếu là thu nhập. Thành phố và ngành giáo dục có giải pháp nào để giữ chân  giáo viên giỏi trong các trường công lập ?

Ông Nguyễn Văn Hiếu: Đúng là thời gian qua, một số giáo viên chuyển từ trường công lập sang trường tư thục hoặc chuyển sang các ngành nghề khác. Đó là sự mất mát của các trường công lập. Tuy nhiên, sắp tới thành phố sẽ có nhiều giải pháp hỗ trợ giáo viên các trường công lập.

Ví dụ, mầm non có chủ trương chính sách thành phố hỗ trợ tăng thu nhập cho giáo viên mầm non. Ở tiểu học, Sở GD&ĐT cũng đang có kế hoạch xây dựng đề án nhằm tăng thu nhập cho giáo viên tiểu học. Và các cấp học khác, chúng ta sẵn sàng tạo điều kiện để giáo viên có thể sống được bằng nghề của mình để tiếp tục bám trường, bám lớp, thực hiện chức trách của một nhà giáo đối với thế hệ trẻ của thành phố.

*VOH: Một mặt phải đáp ứng nhu cầu nhân sự, mặt khác phải tinh giản biên chế. Để đáp ứng một lúc 2 yêu cầu, ngành giáo dục có gặp khó khăn? Hướng giải quyết sắp tới?

Ông Nguyễn Văn Hiếu: Chủ trương tinh giản biên chế của Trung ương cũng như thành phố không nhằm vào đội ngũ giáo viên. Biên chế giáo viên được căn cứ theo nhu cầu tình hình số lớp, số học sinh của từng trường, theo các tỷ lệ đã được quy định từ các thông tư của Bộ GD&ĐT. Tinh giản biên chế ở đây chỉ tinh giản ở một số cơ quan hành chính nhà nước về giáo dục đào tạo, ở sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT quận, huyện. 

Trong điều kiện yêu cầu từ Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT thì các phòng ban  của Sở GD&ĐT đã thu gọn lại không quá 10 phòng ban, 2 người về hưu chỉ tuyển bổ sung 1 người để đảm bảo đến 2020 tinh giảm ít nhất 10% tổng số biên chế hành chính ở các đơn vị quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo. Các trường học, đội ngũ giáo viên không phải là đối tượng tinh giản biên chế. 

*VOH: Thực hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo năm học 2017-2018 về giao quyền tự chủ cho các trường trong công tác tuyển dụng và sử dụng giáo viên, cũng như trong hội nghị tổng kết năm học 2016-2017, UBND TP HCM cũng yêu cầu đến năm 2020, phấn đấu 70% các trường thực hiện tự chủ tài chính. Lộ trình tự chủ sẽ được thực hiện như thế nào để có thể giúp cho đời sống, thu nhập của giáo viên được cải thiện?

Ông Nguyễn Văn Hiếu: Về tự chủ trong tuyển dụng, sử dụng giáo viên, thành phố đã phân cấp về cho các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trong một số năm vừa qua thực hiện. Sắp tới sẽ mở rộng ra các trường được tự chủ tuyển dụng và sử dụng giáo viên, để đảm bảo được nhu cầu và trình độ của người được tuyển dụng phù hợp với đơn vị. Đây cũng là một hướng đi rất tốt trong định hướng ngày càng giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp giáo dục ở thành phố.

Còn tự chủ về tài chính thì có nhiều mức độ. Tất cả trường đều được giao quyền tự chủ tài chính trong những năm vừa qua. Tuy nhiên, để nâng lên mức tự chủ tài chính toàn phần thì cần phải có lộ trình.

Hiện nay, TPHCM chỉ có 2 trường thực hiện tự chủ toàn phần thu đủ bù chi. Đó là Trường Mầm non Nam Sài Gòn và Trường THCS THPT Nam Sài Gòn. Chúng tôi cũng muốn có nhiều đơn vị được tự chủ hơn để ngân sách, kinh phí dành cho các trường tự chủ toàn phần có thể dùng để hỗ trợ chi phí cho các hoạt động giáo dục ở các đơn vị vùng khó khăn khác. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập đội ngũ giáo viên trong toàn thành phố lên.

Nếu như ngân sách dành cho giáo dục thành phố không thay đổi, mà ta tự chủ được nhiều hơn thì phần ngân sách còn lại để chi cho các hoạt động khác, cho các trường nơi không tự chủ được sẽ nhiều hơn.     

*VOH: Cám ơn ông.

 

Bình luận