Nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên

(VOH) - Chiều 20/12, trường Cán bộ quản lý giáo dục TPHCM tổ chức Hội thảo bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu chương trình giáo cụ phổ thông 2018.

Tại hội thảo các đại biểu cho rằng nghiệp vụ sư phạm là yếu tố cốt lõi của mỗi giáo viên. Việc phát triển nghiệp vụ sư phạm là một phần hoạt động phát triển nghề nghiệp giáo viên với nhiều phương thức: tham gia vào các khóa học khác nhau; Tự suy nghĩ về cách giảng dạy của mình; Quan sát và học tập từ đồng nghiệp; Các hội thảo, sinh hoạt chuyên môn...

Thạc sĩ Đinh Thị Thái Hà, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng cho rằng các trường khi thiết kế chương trình đào tạo giáo viên cần dựa trên chuẩn đầu ra của ngành đào tạo giáo viên và chuẩn này cần được xây dựng dựa trên chuẩn nghề nghiệp giáo viên.

Hội thảo bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu chương trình giáo cụ phổ thông 2018 diễn ra với hình thức trực tuyến với nhiều điểm cầu trên cả nước.
Hội thảo bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu chương trình giáo cụ phổ thông 2018 diễn ra với hình thức trực tuyến với nhiều điểm cầu trên cả nước.

Với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật, con người có thể học bằng nhiều cách thức khác nhau nhưng cách thức học với sự chỉ đạo, hướng dẫn của nhà giáo vẫn được coi là con đường mang lại hiệu quả cao nhất, tin cậy nhất.

Ngoài ra, yêu cầu của nền kinh tế tri thức, người học không chỉ học một lần và làm việc suốt đời mà phải học suốt đời thì mới có thể cống hiến tốt cho xã hội. Sự phát triển mạnh mẽ của tri thức đòi hỏi họ phải không ngừng học, nếu không sẽ rơi vào tình trạng “lão hóa kiến thức”, sẽ bị tụt hậu và không theo kịp những đòi hỏi của thực tế.

Vì vậy, trong hoạt động của mình, người giáo viên với tư cách là người cung cấp kiến thức và phương pháp học tập cho người học, đang đứng trước thách thức mới là phải đào tạo ra những người lao động có khả năng học tập một cách độc lập và sáng tạo trong suốt cả cuộc đời.

Theo Phó giáo sư - Tiến sĩ Ngô Minh Tuấn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, ngoài việc tuyển chọn tạo nguồn, để hoạt động bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho giáo viên có kết quả cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng sư phạm trong nhà trường và các tổ chức xã hội có liên quan để tạo ra những tác động mạnh mẽ, có hiệu quả tới năng lực đội ngũ giáo viên.

Nhà trường cần chủ động, tích cực phối hợp, tìm ra các con đường, cách thức có hiệu quả để nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên của mình.

Phó giáo sư - Tiến sĩ Ngô Minh Tuấn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng: "Người giáo viên phải dùng năng lực, nhân cách của mình để tác động vào người học, làm thay đổi người học theo chiều hướng mong muốn, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo. Nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên là thực tế đang đặt ra hiện nay của hoạt động sư phạm và cần có sự đổi mới đồng bộ".

Các đại biểu cũng cho rằng sau 7 năm tạm dừng các lớp nghiệp vụ sư phạm, Thông tư 11 và 12 về bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, vừa được ban hành vụ đáp ứng được yêu cầu chương trình Giáo dục phổ thông 2018, chuẩn nghề nghiệp giáo viên cũng như yêu cầu thực tiễn.