Người lớn đi học chủ yếu vì bằng cấp?

(VOH) - Hầu hết người lớn đi học để lấy được bằng cấp, sự nhìn nhận của xã hội về văn bằng chính quy và các văn bằng loại hình khác...là những rào cản lớn đối với việc học tập suốt đời của người lớn.

Những trăn trở trên đã được chia sẻ tại Hội thảo Vai trò của trường đại học với việc học tập suốt đời của người lớn, do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức sáng 30/10 tại TPHCM. 

Theo Giáo sư Tiến sĩ Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam, việc học tập suốt đời không dừng lại ở việc một người đạt trình độ học vấn phổ thông, mà là trình độ học vấn đại học. Cho nên, trường đại học có sứ mạng đem lại học vấn cao cho những ai có nhu cầu. Đại chúng hóa học vấn đại học là xu thế tất yếu là trường đại học phải định hướng.

“Giáo dục người lớn phải hết sức mềm dẻo, đầu vào không đòi hỏi điều kiện gì cả, đầu ra có thể không cấp văn bằng gì. Nhưng người học có thể học ở trường bao lâu cũng được, miễn là khi nào tích lũy đủ điều kiện để có thể làm việc” Giáo sư Tiến sĩ Phạm Tất Dong cho biết.

Tuy nhiên, đại diện nhóm nghiên cứu Trường Đại học Cần Thơ, Tiến sĩ Phạm Phương Tâm – Giám đốc Trung tâm Liên kết đào tạo đã thẳng thẳn chỉ ra những trở ngại trong việc học tập suốt đời, đó là giá trị của tấm văn bằng: "Người đi học cũng chỉ vì muốn kiếm một cái văn bằng để chứng minh trình độ và năng lực của mình ở cái chuẩn đó. Chúng tôi còn thấy một vấn đề nữa là hiện nay trong việc nhìn nhận giá trị văn bằng giữa chính quy và các hình thức giáo dục thường xuyên, trong đó có vừa làm vừa học, từ xa…ở cả các tổ chức, cơ quan công quyền. Do đó, dẫn đến việc xã hội cũng theo đó mà có nhìn nhận khác biệt về hai loại hình đào tạo này”.

Mặc dù xác định trường đại học đóng vai trò quan trọng đối với việc học tập suốt đời của người lớn, nhưng Phó Giáo sư Tiến sĩ Đinh Phi Hổ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phan Thiết, bày tỏ sự băn khoăn. Thông thường trường đại học hiện nay đang làm nhiệm vụ đào tạo cho hầu hết người lớn, một cách chính thức. Đầu vào, đầu ra phải theo chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Vậy, biết bao nhiêu em không có cơ hội vào đại học một cách chính thức. Tương tự, bao nhiêu người đã tốt nghiệp đại học không có cơ hội vào trường để học tiếp các bậc học cao hơn? Thế thì, vai trò của trường đại học với việc học tập suốt đời của người lớn ở đây chính là tạo cơ hội cho đối tượng này không theo học chính thức, và hình thức đào tạo nào thích hợp cho đối tượng này là điều phải giải quyết.

Học tập suốt đời

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo

Chú trọng về bằng cấp mà không trọng năng lực thì sẽ làm méo mó người cán bộ

Chia sẻ tại hội thảo, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Nguyên Phó Chủ tịch nước, nhấn mạnh, các trường Đại học ngoài nhiệm vụ chính là đào tạo và nghiên cứu khoa học, là nơi cung cấp nguồn nhân lực tối cần thiết để phục vụ hầu hết yêu cầu của tất cả các vị trí công tác ở tất cả các khu vực kinh tế.

Thực tế đã chứng minh một quốc gia muốn phát triển về khoa học công nghệ và tăng trưởng kinh tế bền vững thì nhất thiết phải có hai yếu tố: Một hệ thống giáo dục đại học hoàn chỉnh đẳng cấp quốc tế và một lực lượng lao động chất lượng tốt, mà lực lượng lao động này phần lớn do chính các trường Đại học cung cấp. 

“Giáo dục Đại học còn có nhiệm vụ quan trọng là tạo ra các cơ hội cho mọi người học tập suốt đời, tạo điều kiện và sẵn sàng cập nhật các kiến thức và kỹ năng thường xuyên theo mọi nhu cầu của xã hội, bởi vì sau khi tốt nghiệp các trường Đại học, Trường nghề hoặc cả những người chưa học qua các bậc học sau khi thi tốt nghiệp phổ thông trung học, luôn có nhu cầu tìm kiếm và trau dồi tri thức mới, không ngừng muốn học tập nâng cao trình độ, hiểu biết của bản thân để phục vụ nhu cầu công tác hoăc nhu cầu cuộc sống” - Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan nói.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng bày tỏ vấn đề coi trọng bằng cấp hiện nay cũng là vấn đề rất khó trong thay đổi tư duy. Hiện nay chúng ta đang nặng về bằng cấp trong tuyển chọn, như vậy là kích thích người lớn đi học vì bằng cấp, đây là vấn đề rất khó trong thay đổi tư duy, phải kết hợp giữa thực tế và đòi hỏi xã hội để dần dần thay đổi tư duy về vấn đề này. Nếu chỉ chú trọng về bằng cấp mà không trọng năng lực thì sẽ làm méo mó người cán bộ mà chúng ta sử dụng./.