Người thầy thời đại số: Năng lực và bản lĩnh thích ứng!

(VOH) - Trong bất cứ thời đại nào, giáo dục luôn đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển của một quốc gia, dân tộc.

Vì lẽ đó, nên nghề giáo dù trong bối cảnh nào – đều được xem là một nghề cao quý và đáng trân trọng. Môi trường giáo dục, dù tồn tại dưới lớp học - giảng đường truyền thống hay chuyển đổi sang “lớp học số, giảng đường mạng” thì vai trò của người thầy chẳng những không thay đổi mà càng được củng cố với tâm thế vững vàng, dẫn dắt người học. Đặc biệt, khi xã hội đặt ra nhiều thách thức, người thầy càng phải bản lĩnh để giữ gìn sự tôn nghiêm của nghề hơn nữa.

Người thầy thời đại số: Năng lực và bản lĩnh thích ứng!
Ảnh minh họa: VOH

Thời gian vừa qua, trước những tác động của dịch Covid-19 lên tất cả các ngành nghề, nghề giáo có lẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất, và cũng chuyển động rõ nét nhất. Thời điểm căng thẳng của dịch Covid-19, Bộ Giáo dục và Đào tạo thống kê trên cả nước có 80% trường phổ thông, 240 cơ sở đào tạo đã tổ chức dạy và học trực tuyến. Cũng từ đó, đội ngũ giáo viên, giảng viên đã có sự linh hoạt ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để đáp ứng nhanh yêu cầu mới này. Càng thách thức, càng là cơ hội cho người thầy vượt qua các khó khăn để truyền đạt tốt hơn cho người học.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng đào tạo Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ: “Qua việc dạy học trực tuyến, cũng có vài điều mà người thầy cần phải suy nghĩ về những chuẩn mực. Thứ nhất, khi dạy học trực tiếp đôi khi người thầy có nói đùa, hoặc hơi to tiếng cũng không ảnh hưởng nhiều, tuy nhiên còn ở trên không gian mạng có tính lan truyền rất lớn, bắt buộc người thầy phải thay đổi ở việc chuẩn mực trong phát ngôn trong suốt quá trình quá trình giảng dạy. Thứ hai khi dạy online, nếu chỉ dạy như cách bình thường thì người học rất chán, do đó người thầy phải vận động rất nhiều, nghĩ ra nhiều cách và làm mới liên tục các tiết giảng. Đó là những thách thức rất lớn đối với các thầy cô”.

Vượt qua những rào cản tâm lý, khi sự chuẩn bị bài giảng trên lớp học online khác hẳn giáo án truyền thống, nó đòi hỏi một kịch bản chỉn chu, logic xuyên suốt thời gian học. Vượt qua những va vấp ban đầu trên không gian mạng, người thầy trong quá trình chuyển đổi số dần làm chủ công nghệ, làm chủ cảm xúc của mình hơn. Thật vậy, để tăng hiệu quả dạy học qua internet, Giáo viên Phạm Thư Tùng, bộ môn Vật lý, Trường Trung học phổ thông Thalmann, Quận 1 đã chuyển hướng từ dạy học sang cung cấp những nguồn thông tin, hướng dẫn, khơi gợi nơi học sinh khả năng tự học.

Ngoài ra, để tạo sự hào hứng cho các học trò của mình, giáo viên này thường yêu cầu các em nghiên cứu và triển khai các thí nghiệm vui. Quá trình bốn bước của bài thí nghiệm gồm: giới thiệu dụng cụ, thao tác thực hiện, mô tả kết quả thí nghiệm và bước vận dụng kiến thức được học để giải thích một cách đơn giản. Quá trình này sẽ được học sinh ghi hình tại nhà và gửi đến giáo viên và lớp học. Nắm vững công nghệ mới có thể tự tin trên không gian lớp học ảo, sẵn sàng phép “thử và sai”, đó là những gì mà người giáo viên trong thời đại số cần nắm bắt, chia sẻ từ thầy Phạm Thư Tùng: "Đầu tiên là kỹ năng trước đã, đặc biệt là về công nghệ thông tin. Bởi vì giáo viên nắm vững công nghệ thông tin mới tự tin khi đứng trước không gian mạng. Ngoài ra, giáo viên phải thấu hiểu học sinh đang làm gì, có nghĩa là phải có sự nhạy cảm. Trước đây, khi học trực tiếp, giáo viên chỉ cần quan sát vẻ mặt của học sinh là có thể đoán 70-80% tình trạng của em đó. Còn qua online, giáo viên khó quan sát được học sinh, nên giáo viên phải có một số biện pháp "thử và sai". "Thử" có thể là hỏi các em câu hỏi này, câu hỏi kia, cho bài tập làm nhanh để biết được học sinh đang như thế nào".

Không chỉ thách thức các nhà giáo trẻ trong chuyển đối số, những thế hệ giáo viên có thâm niên tuổi nghề, dày dặn kinh nghiệm cũng đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa lối dạy truyền thống – hiện đại với chất xúc tác chính ở sự yêu nghề. Bằng tâm huyết, bằng tình yêu thương vô bờ bến với các thế hệ học trò, những nhà giáo ấy đã nỗ lực vượt qua những trở ngại, và mang đến cho học sinh những giờ học hiệu quả. Vậy đó, tâm thế vững vàng, trách nhiệm cao nhất với người học, đâu có phân biệt lứa tuổi nào, bởi nó được đo đếm bằng tất cả tấm lòng của nhà giáo dành cho học trò mình.

Dạy học trực tuyến: Làm thế nào để bớt căng thẳng, kiệt sức và trầm cảm? - Ảnh 1.  ThS Đặng Trần Minh Hậu, giảng viên khoa công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), dạy trực tuyến - Ảnh minh họa: TTO
Dạy học trực tuyến: Làm thế nào để bớt căng thẳng, kiệt sức và trầm cảm? - ThS Đặng Trần Minh Hậu, giảng viên khoa công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), dạy trực tuyến - Ảnh minh họa: TTO

Bà Tống Thị Mai Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoà Bình, Quận 1 chia sẻ, nhiều giáo viên ở trường dù đã 50 tuổi vẫn tổ chức những tiết dạy online sinh động, tạo tâm lý yêu thích và thu hút sự chú ý của học sinh. "Không phải vấn đề lớn tuổi hay không lớn tuổi mà chính là tâm lý, tâm thế và trách nhiệm của thầy cô, nhiệt huyết của giáo viên đối với học sinh. Tôi khẳng định tâm thế của giáo viên, tư tưởng - tinh thần của giáo viên là quan trọng nhất để truyền được tâm thế học tập cho học sinh", cô Hương nói.

Có thể thấy, sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư dựa trên ba trụ cột chính là Trí tuệ nhân tạo, nguồn dữ liệu lớn và Vạn vật kết nối. Sự phát triển này mang đến cho tất cả mọi người nói chung, người thầy nói riêng rất nhiều cơ hội và thách thức. Tiến sĩ Nguyễn Văn Tường, Nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp Trung ương năm 2020, hiện là Giảng viên Khoa Giáo dục, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đúc kết: “Người thầy thông thường cần có năng lực sư phạm, năng lực chuyên môn, năng lực xã hội và phẩm chất cá nhân. Còn người thầy trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tôi nghĩ rằng cần có thêm năng lực thích ứng. Người thầy thời đại công nghệ số cần phải có kiến thức, kỹ năng công nghệ nhất định để có thể tổ chức các hoạt động dạy và học trên nền tảng công nghệ số. Dạy học kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp sẽ là xu hướng tất yếu của người thầy trong bối cảnh xã hội hiện nay. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cá nhân tôi luôn cho rằng, sứ mệnh lớn nhất của người thầy là truyền cảm hứng và tạo điều kiện tốt nhất để cho người học bộc lộ và phát triển tối đa năng lực cá nhân của họ, giúp họ trở thành chuyên gia của chính mình trên tiến trình phát triển và trưởng thành”.

“Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” – lời đúc kết từ ngàn xưa đến nay vẫn luôn vẹn nguyên một giá trị. Nghề giáo – dù bị tác động bởi các ngoại lực, lại càng vững vàng hơn bởi bản lĩnh của mình, tiếp tục với nhiệm vụ “trồng người” qua bao thế hệ. Người thầy trong thời đại công nghệ số với nhiều thách thức từ sứ mệnh dẫn dắt cho đến người đồng hành, người truyền cảm hứng, truyền đam mê cho người học. Với bản lĩnh và năng lực thích ứng, người thầy hiện đại đã và đang từng ngày hoàn thiện và vượt qua bản thân mình để truyền thụ tốt hơn cho người học, dù ở thời đại nào.