Nhiều nghiên cứu hữu ích từ trung tâm nghiên cứu của các giảng viên đại học tại TPHCM

VOH - Sau hơn 1 năm thành lập, trung tâm nghiên cứu tiên phong trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo và Internet vạn vật tại TPHCM đã nghiên cứu ra nhiều dự án ứng dụng hữu ích.

Khởi nguồn từ nhiệt huyết của các giảng viên

AIoT Lab Việt Nam được thành lập vào năm 2022, bắt nguồn từ đam mê nghiên cứu và nhiệt huyết của nhóm giảng viên Khoa Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Quốc tế (ĐHQG-HCM).

Cố vấn chuyên môn và phát triển dự án của AIoT Lab Việt Nam cũng có sự góp mặt của các giảng viên Trường Đại học Bách Khoa (ĐHQG-HCM), Trung tâm Đào tạo Khu vực của SEAMEO (Việt Nam), Viện Khoa học Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản – JAIST…

Với sứ mệnh đổi mới công nghệ và nghiên cứu khoa học, AIoT Lab Việt Nam tạo một môi trường năng động cho các cá nhân tài năng khám phá và phát triển các giải pháp AIoT tiên tiến.

AIoT
Giảng viên hướng dẫn sinh viên về các thiết bị AIoT - Ảnh: B.N

AIoT Lab Việt Nam cũng hướng tới mục tiêu đào tạo thế hệ sinh viên tiếp nối nhằm đóng góp vào sự nghiệp giáo dục đào tạo bằng cách thúc đẩy người học phát huy tính sáng tạo và khả năng học tập không ngừng.

Hiện nay, hơn 30 sinh viên tham gia hoạt động tại Lab đều đang theo học tại Khoa Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Quốc tế và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM. Các em được tuyển chọn rất kỹ dựa vào các tiêu chí về năng lực học tập (điểm trung bình GPA >=80), có đam mê, định hướng nghiên cứu cụ thể.

Hướng tới nghiên cứu những ứng dụng đột phá

Những lĩnh vực mà AIoT Lab Việt Nam tập trung nghiên cứu bao gồm sản xuất, y tế, năng lượng, giao thông và cuộc sống thông minh.

TS. Huỳnh Khả Tú – Trưởng Phòng Phòng thí nghiệm AIoT Lab Việt Nam cho biết, sau một năm thành lập, các bạn sinh viên được thầy cô huấn luyện đã tạo ra được nhiều sản phẩm nghiên cứu cơ bản (bài báo khoa học) và sản phẩm ứng dụng (đã được triển khai).

AIoT Lab Việt Nam nghiên cứu nhiều dự án nổi bật trong việc áp dụng công nghệ AIoT vào thực tế. Tính đến nay, các thành viên Lab đã có hơn 50 bài nghiên cứu được đăng trên các tạp chí khoa học uy tín và kỷ yếu Hội nghị quốc tế có phản biện.

Chẳng hạn như: nghiên cứu Hệ thống phát hiện và nhận dạng biển số bằng CRAFT và LSTM; Phát hiện ảnh giả mạo sử dụng VGG-16 kết hợp ResNet; Phân tích cuộc tấn công và hệ thống Lưới điện Thông minh và giải pháp phòng chống; Hệ thống phân loại rác thông minh sử dụng Raspberry Pi 4…

sinh viên nghiên cứu khoa học
Sinh viên nghiên cứu về IoT tại AIoT Lab Việt Nam - Ảnh: B.N

Một số nghiên cứu tiêu biểu có tính ứng dụng cao, với sự tham gia của cả sinh viên có thể kế đến như “Hệ thống đèn điện thông minh kết hợp AI”, “Hệ thống quan trắc chất lượng không khí chi phí thấp ở TPHCM”, “Hệ thống nhận diện đeo khẩu trang sai cách”, “Hệ thống theo dõi sức khỏe bệnh nhân Covid-19”, “Hệ thống nhận diện và phân loại đường chỉ may”…

Lab cũng đã giành được hai giải thưởng cao nhất tại các cuộc thi học thuật. Đầu tiên phải kể đến Giải nhất Hội Thảo Chuyển đổi số cho Thanh niên 2023 do Trung tâm Phát triển Khoa học & Công nghệ trẻ TPHCM và Trường Đại học Ngân hàng TPHCM tổ chức.

Giải thưởng thứ hai là Giải nhất Cuộc thi IT Hackathon do Đoàn Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Quốc tế (ĐHQG-HCM) tổ chức.

Trước những thành công bước đầu này, TS. Huỳnh Khả Tú cho biết: “Nhóm giảng viên sẽ tiếp tục đẩy mạnh và mở rộng quy mô của Lab, hướng tới đào tạo và chuyển giao sản phẩm có ích cho xã hội, phát triển nghiên cứu liên ngành. Sứ mệnh của Lab là tạo ra môi trường thích hợp để kết nối các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, và nhà phát triển trong lĩnh vực AIoT, đồng thời cung cấp những cơ hội tiếp cận và ứng dụng các công nghệ tiên tiến”.

AIoT Lab Việt Nam hướng đến trở thành trung tâm nghiên cứu và đào tạo hàng đầu trong lĩnh vực AIoT không chỉ ở Việt Nam mà trong khu vực trên thế giới.

Bình luận