Chờ...

Nhiều yêu cầu đặt ra cho năm học mới

(VOH) - Tại hội nghị, nhiều ý kiến lo ngại về tình trạng bạo hành trẻ mầm non tại các trường ngoài công lập.

Tại Hội nghị chuyên đề về công tác chuẩn bị năm học mới 2018-2019 do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM tổ chức vào sáng 15/8, đại diện phụ huynh, đoàn thể đã đóng góp nhiều ý kiến về bạo hành trẻ mầm non, quy định về đóng góp của phụ huynh, dạy kỹ năng cho học sinh trong nhà trường...

Tại hội nghị, nhiều ý kiến lo ngại về tình trạng bạo hành trẻ mầm non tại các trường ngoài công lập. Thời gian qua, trong các đợt giám sát của các quận huyện vẫn còn xảy ra tình trạng hệ thống camera có lắp đặt nhưng không hoạt động. Các trường khi thành lập thì có đầy đủ nhân sự có bằng cấp chuyên môn, tuy nhiên thực tế hoạt động người đứng lớp chăm sóc các cháu lại không đáp ứng các tiêu chuẩn này.

Trong khi đó, nhiều địa bàn số trường mầm non rất hạn chế, các trẻ phần lớn được gửi vào các đơn vị ngoài công lập. Chẳng hạn, cả xã Đa Phước, huyên Bình Chánh, chỉ có 1 trường mầm non công lập nên ưu tiên nhận trẻ 5 tuổi, các bé 2 đến 4 tuổi phần lớn phải học tại các trường ngoài công lập.

Ông Phùng Văn Được, ấp 4, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, băn khoăn: “Không phải xảy ra rồi mới nói, từ bây giờ, đề nghị phòng giáo dục quận huyện khi cấp phép cần kiểm tra có đủ bài bản, đủ chứng chỉ nghề nghiệp, chức năng. Tuyển dụng cô giáo, bảo mẫu có học qua trường lớp kỹ năng chưa, hay là cứ tuyển bừa do giá lương tuyển người có bằng cấp sẽ khác với tuyển người lao động bình thường". 

Phụ huynh Phùng Văn Được, ấp 4, xã Đa Phước huyện Bình Chánh

Bên cạnh đó, phụ huynh và các đoàn thể mong muốn Sở Giáo dục và Đào tạo có những quy định cụ thể về các khoản đóng góp đầu năm.

Mặc dù công tác xã hội hoá góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, nhưng các đại biểu yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo có những chỉ đạo quản lý chặt chẽ để không xảy ra trường hợp nào mang tính chất lạm thu.

Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định các khoản thu đầu năm đã được quy định chặt chẽ bằng các văn bản pháp lý, thông tư. Trong đó, bao gồm các khoản thu hộ chi hộ, thu thoả thuận và thu tài trợ. Sở Giáo dục và Đào tạo cũng luôn phối hợp với phía tài chính để nhắc nhở, giám sát.

Ngoài ra, ông Lê Hoài Nam cũng khẳng định trong những năm qua công tác giáo dục đạo đức lối sống kỹ năng luôn được ngành giáo dục đưa lên hàng đầu, tuy nhiên cần sự phối hợp cả gia đình và xã hội:

"Trong kế hoạch của ngành, việc giáo dục đạo đức lối sống luôn được đưa lên hàng đầu, nhiều biện pháp nhiều giải pháp, hình thức được đưa ra trong mỗi nhà trường. Tùy theo từng cấp học để đưa vào chương trình phù hợp, ví dụ mầm non giáo dục các em biết cảm ơn, xin lỗi..., tiểu học biết cách đối xử, có hành động hành vi phù hợp".    

Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TPHCM phát biểu tại buổi làm việc

Bà Tô thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố cho rằng, việc phối hợp giáo dục học sinh giữa phụ huynh với nhà trường cần được thực hiện chặt chẽ hơn, tổ chức dạy học phải đi đôi với thực hành, nhằm giáo dục học sinh một cách toàn diện:

"Hàng năm chúng ta có nhiều buổi lắng nghe tiếng nói của học sinh, thiếu nhi. Đa phần các cháu đều tha thiết được học về kỹ năng, học về môn lịch sử, học về khoa học tự nhiên mà được "hành".

Các em không cho rằng mình đã học đủ  "Chữ" mà các em cho rằng mình học lý thuyết quá nhiều và mong muốn được thực hành. Thực hành như thế nào là do nhà trường phải nghĩ ra và phối hợp Hội phụ huynh tổ chức cho tốt".