Những điều cần lưu ý trước khi sinh viên đăng ký học song ngành

(VOH) - Học song ngành là xu hướng được nhiều sinh viên lựa chọn để có thể học nhiều ngành cùng lúc và rút ngắn thời gian học tập. Tuy nhiên, có một số điều sinh viên cần cân nhắc trước khi quyết định

Tại Ngày hội chương trình song ngành và BS-MS diễn ra vào ngày 9/3, TS. Huỳnh Khả Tú – Trưởng phòng Đào tạo Đại học, trường Đại học Quốc tế (ĐHQG-HCM) cho biết: “Nhu cầu của xã hội hiện nay là phát triển liên ngành và người có nhiều kiến thức từ bậc đại học sẽ mở rộng cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp, do đó, sinh viên ngày càng quan tâm tới việc học thêm chương trình thứ hai ngay khi học đại học”.

Tuy nhiên, TS. Huỳnh Khả Tú cho rằng, trước khi chọn học song ngành, sinh viên cần cân nhắc về khả năng học tập của mình cũng như cân nhắc về thời gian để không “quá căng” khi học cùng lúc cả hai ngành.

Thực tế, khi học song ngành, sinh viên phải tập trung đồng đều cho cả hai chương trình học. Nếu kết quả chương trình học thứ nhất của sinh viên ở mức không đạt thì không được học chương trình thứ hai. Đồng thời, nếu trong quá trình học song ngành, sinh viên không đáp ứng các yêu cầu về chất lượng đào tạo của ngành thứ nhất thì sinh viên cũng không được cấp bằng cho ngành học thứ hai.

KHẢ TÚ
TS. Huỳnh Khả Tú – Trưởng phòng Đào tạo Đại học, trường Đại học Quốc tế (ĐHQG-HCM)

Đọc thêm: Bí quyết để học song ngành hiệu quả

Cũng theo TS. Huỳnh Khả Tú, khi chọn học ngành thứ hai, sinh viên cần cân nhắc chọn học ngành gần với ngành học đầu tiên để được công nhận chuyển đổi tín chỉ chung hoặc có sự tương đương giữa hai ngành để rút ngắn tổng thời gian theo học tập so với việc học hai ngành riêng biệt, đồng thời tiết kiệm được chi phí học tập.

TS. Huỳnh Khả Tú nêu ví dụ, khi chọn học song ngành, sinh viên học ngành thứ nhất là Công nghệ sinh học có thể chọn học ngành thứ hai là Kỹ thuật y sinh, Hóa sinh hay Công nghệ thực phẩm;  ngành thứ nhất là Công nghệ thông tin, có thể chọn ngành thứ hai là Kỹ thuật y sinh; ngành thứ nhất là Công nghệ thông tin – chuyên ngành Kỹ thuật máy tính có thể chọn ngành hai là Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa hay Kỹ thuật điện tử viễn thông…

Các môn học tự chọn và có tính giao thoa của hai ngành thông thường sẽ được tăng cường để sinh viên có thể vận dụng các kiến thức có tính hệ thống trong quá trình học tập, đồng thời đảm bảo đủ số tín chỉ bắt buộc của mỗi ngành đào tạo theo quy định.

Hiện nay, một số trường đã mở chương trình đào tạo song ngành. Sinh viên có lực học tốt chỉ cần xét tuyển dựa trên kết quả học tập của ngành thứ nhất, năm nhất để được học thêm ngành thứ hai. Do đó, việc học song ngành đã dễ dàng hơn rất nhiều và mở ra nhiều cơ hội học tập cho các sinh viên ở bậc đại học.

Học song ngành hay học 2 văn bằng song song là hình thức đào tạo ngày càng phổ biến khi sinh viên có thể theo học hai ngành cùng lúc tại một trường đại học hoặc theo học tại 2 trường đại học cùng một lúc. Khi học song ngành, sinh viên có cơ hội nhận hai bằng cử nhân riêng biệt; thời gian học tập rút ngắn từ 4,5 đến tối đa 5 năm dành cho hệ chính quy tập trung...

Tại trường Đại học Quốc tế, từ năm 2017-2022 chỉ có 2 chuyên ngành đào tạo song ngành. Tuy nhiên, hiện nay, trường có 12 chuyên ngành cho phép học bằng thứ hai. Chương trình đào tạo song ngành được triển khai trong nội bộ trường, tuy nhiên trường đang hướng đến kế hoạch đào tạo song ngành giữa các trường thuộc hệ thống ĐHQG.

Bình luận