Chờ...

Bí quyết để học song ngành hiệu quả

(VOH) - Học song ngành (song bằng) đang là xu hướng lựa chọn của không ít sinh viên hiện nay. Tuy nhiên, học song ngành như thế nào để hiệu quả là điều mà không phải sinh viên nào cũng biết.

Học song ngành hay học 2 văn bằng song song là hình thức đào tạo ngày càng phổ biến khi sinh viên có thể theo học hai ngành cùng lúc tại một trường đại học hoặc theo học tại 2 trường đại học cùng một lúc. 

Khi học song ngành, sinh viên có cơ hội nhận hai bằng cử nhân riêng biệt; thời gian học tập rút ngắn từ 4,5 đến tối đa 5 năm dành cho hệ chính quy tập trung...

Ngoài ra, các môn học tự chọn và có tính giao thoa của hai ngành được tăng cường để sinh viên có thể vận dụng các kiến thức có tính hệ thống trong quá trình học tập, đồng thời đảm bảo đủ số tín chỉ bắt buộc của mỗi ngành đào tạo theo quy định.

học song ngành, song bằng
Khi học song ngành, sinh viên có cơ hội nhận hai bằng cử nhân riêng biệt; thời gian học tập rút ngắn từ 4,5 đến tối đa 5 năm dành cho hệ chính quy tập trung

Xem thêm: Những điều kiện để sinh viên được học song ngành?

Dưới đây là chia sẻ của Lê Phạm Nguyệt Thương - sinh viên tốt nghiệp song ngành Công nghệ Sinh họcLogistics & Quản lý chuỗi cung ứng loại giỏi 2021 của Trường Đại học Quốc tế (ĐHQG-HCM).

Đặc biệt thích học môn sinh học từ lúc học cấp 3, do đó Nguyệt Thương quyết định xét tuyển ngành Công nghệ sinh học vì muốn tìm hiểu sâu hơn về các cấp độ sống và áp dụng các công nghệ học được để tạo ra các sản phẩm sinh học có ích cho con người.

Nhận thấy rằng tiếng Anh chuyên ngành là một lợi thế cạnh tranh lớn khi tìm việc làm và là chìa khóa để tìm hiểu sâu hơn về ngành học của mình, Thương quyết định chọn học ngành Công nghệ sinh học tại Trường Đại học Quốc tế (ĐHQG-HCM).

Vào đầu năm thứ ba đại học, vô tình Thương tham gia một tiết học của bộ môn Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng cùng với 1 người bạn. Tiết học đó trình bày các hoạt động trong chuỗi cung ứng rất thú vị. Nhờ vậy mà sau đó Thương luôn có sự thôi thúc để đọc, tìm hiểu nhiều hơn về ngành này và mong muốn có cơ hội để học bài bản.

“Em nghĩ nếu có kiến thức tốt về Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, sẽ giúp tối ưu hóa chi phí vận chuyển mà vẫn đảm bảo chất lượng các sản phẩm sinh học khi đến tay khách hàng. May mắn là đúng vào lúc đó, trường đã mở chương trình song ngành, và em đã không chần chừ bày tỏ nguyện vọng với ba mẹ và được đồng ý” – Thương kể.

Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng là một ngành học khá thú vị, ứng dụng của ngành rất đa dạng quá trình từ khâu nguyên vật liệu đến thành phẩm giao khách hàng. Trong quá trình học và thực tập, Nguyệt Thương được học và trải nghiệm các mắt xích trong chuỗi cung ứng. Sau quá trình thực tập tại một số công ty, Thương nhận ra bản thân phù hợp và đam mê ở lĩnh vực chuỗi cung ứng, nên đã quyết định định hướng nghề nghiệp theo mảng này.

Những thách thức khi học song ngành?

Thương cho biết, ban đầu bạn có một chút băn khoăn khi phải học 2 ngành hoàn toàn khác biệt nhau. Nhưng khi đã quyết tâm, có mục tiêu và kế hoạch rõ ràng, Thương cảm thấy học cùng lúc 2 ngành cũng không quá khó khăn, nhất là khi các thầy cô và các bạn đã rất nhiệt tình hỗ trợ em trong suốt quá trình học 2 ngành.

Theo Thương, khó khăn lớn nhất trong khoảng thời gian học song ngành đó là “thời gian”. Vì học hai ngành khác nhau, nên việc học của Thương bị kéo dài thêm 2 năm.

Hai năm đó là một khoảng thời gian đầy thách thức, khi các bạn cùng khóa của Thương đã bắt đầu đi làm hoặc học cao học, nhưng Thương vẫn học đại học và dường như không có bước tiến nào. Nhưng áp lực đó đã giúp Thương lập kế hoạch cụ thể và cố gắng không ngừng để đạt được mục tiêu đề ra.

Thuận lợi của việc học song ngành theo Nguyệt Thương đó là kỹ năng và kiến thức để mở rộng cơ hội nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp. Dù chỉ chọn một trong hai con đường, nhưng kỹ năng học được của ngành còn lại vẫn có thể hỗ trợ và giúp ích trong tương lai.

Sắp xếp và lên kế hoạch để học tập hai ngành như thế nào?

Khi đăng kí ngành học thứ hai, Thương chỉ còn 5 môn và luận văn là hoàn thành chương trình của ngành thứ nhất. Do đó, việc sắp xếp và lên kế hoạch của Thương cũng khá dễ dàng.

Vì khi học ngành thứ nhất, Thương đã nắm được phương pháp học và có kiến thức vững, nên Thương không gặp khó khăn để hoàn thành 5 môn sau cùng. Cũng vì vậy, Thương có nhiều thời gian hơn để tìm hiểu và học ngành thứ hai.

học song ngành, song bằng
 Lê Phạm Nguyệt Thương - sinh viên tốt nghiệp song ngành Công nghệ Sinh học và Logistics & Quản lý chuỗi cung ứng loại giỏi của Trường Đại học Quốc tế

Có nhiều cách sắp xếp môn học khác nhau, nhưng riêng Thương thấy rằng, sắp xếp các môn tương tự như chương trình khoa đã đưa ra theo từng học kì giúp em học tập hiệu quả và tiết kiệm thời gian vì chương trình này đã được các thầy cô nghiên cứu kĩ trước đó.

Trước khi học ngành thứ hai, Thưỡng cũng đã tìm hiểu chương trình đào tạo bằng cách tham khảo thầy cô bộ môn và anh chị khóa trước, sau đó xác định thời gian sẽ hoàn thành chương trình song ngành, và cuối cùng là phân bố các môn của cả 2 ngành theo từng học kì.

Theo Thương, nên xếp theo tỉ lệ các môn nhẹ và nặng tương đương nhau. Như vậy, lịch học sẽ tương đối dễ thở (không có học kì nào học quá nhẹ, cũng không có kì nào quá nặng) nhưng vẫn hoàn thành việc học đúng thời hạn đưa ra.

“Muốn đi nhanh hãy đi một mình muốn đi xa hãy đi cùng nhau” – Thương cho rằng, học nhóm là chìa khóa giúp Thương có thể học tốt cả hai ngành. Trong các buổi học nhóm, Thương không chỉ được ôn lại kiến thức trong lớp cùng các bạn, mà còn học được cách giải quyết bài toán qua góc nhìn và tư duy mới của các bạn. Qua những lần làm việc nhóm và góp ý của các bạn, kĩ năng và tư duy của Thương đã cải thiện rất nhiều.

Làm sao để quyết định học song ngành không trở thành “sai lầm”?

Thương cho rằng, các bạn sinh viên nên tìm hiểu thật kỹ, có mục tiêu rõ ràng và lập kế hoạch học tập chi tiết nếu có ý định học song ngành. Vì việc học thêm một ngành khác rõ ràng sẽ tốn rất nhiều thời gian và tài chính của cả sinh viên lẫn gia đình, nên các bạn nên tìm hiểu kĩ về ngành thứ hai để tránh trường hợp nhận thấy bản thân không phù hợp sau một thời gian.

Ngoài ra, các bạn sinh viên nên tìm hiểu càng nhiều càng tốt, có thể tham khảo từ sách báo để cập nhật tình hình hiện tại của ngành, hoặc trải nghiệm của bạn bè đang học, các anh chị khóa trên, gia đình, thầy cô…  

Về thời gian học, nếu 2 ngành học hoàn toàn khác biệt nhau, Thương cho rằng, nên bắt đầu học ngành thứ hai khi bạn nắm được phương pháp học và nền tảng kiến thức của ngành thứ nhất đã vững. Như vậy, bạn có thể dành nhiều thời gian để làm quen với ngành thứ hai trong khi vẫn học tốt được ngành thứ nhất.

Về tài chính, cũng tùy vào điều kiện của từng gia đình. Thương may mắn khi ba mẹ đều ủng hộ và hỗ trợ tài chính để học song ngành. Tuy nhiên, Thương cũng đã phải trình bày chi tiết mục tiêu và kế hoạch thực hiện và thời gian hoàn thành cho ba mẹ, sau đó ba mẹ mới đồng ý. Vì thực sự số tiền bỏ ra để học thêm một ngành không hề nhỏ, mình học cực một, nhưng ba mẹ cực mười.