Chờ...

Những nguồn thu của trường đại học ngoài học phí

VOH - Theo khảo sát của nhóm chuyên gia World Bank, học phí chiếm đến 77% nguồn thu của các trường đại học, năm 2021.

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2021.

Theo đó, yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất với các bộ có liên quan sửa đổi các quy định về giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo theo hướng quy định rõ một số điều khoản về việc chưa triển khai, chưa áp dụng lộ trình cơ chế thu, quản lý học phí quy định tại Nghị định 81 và không tăng học phí năm học 2023-2024.

Việc không được tăng học phí nhưng hoạt động lại phụ thuộc nhiều vào học phí, khiến nhiều trường lâm vào tình thế khó khăn, nguy cơ khó giữ chân giảng viên, thậm chí chất lượng đào tạo sẽ bị ảnh hưởng.

Dù vậy, xét một cách toàn diện, ngoài học phí, các trường đại học vẫn có thể tìm các nguồn thu khác từ nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ; tài trợ… để phục vụ cho các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, phát triển của nhà trường.

thư viện
Sinh viên Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) học tại thư viện - Ảnh: T. Huy

Thu từ nghiên cứu chuyển giao công nghệ

Một số chuyên gia cho rằng, kết quả thu được từ nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ của các trường hiện rất khiêm tốn do các trường không đầu tư, tập trung cho mục đích nghiên cứu khoa học. Nhiều trường đưa ra chính sách khuyến khích giảng viên nghiên cứu khoa học không thực chất và tạo ra đột phá.

Tuy nhiên, vẫn có một số trường đại học tạo được nguồn thu tốt từ hoạt động này.

PGS. TS. Trần Thiên Phúc - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) cho biết, nguồn thu của Trường Đại học Bách khoa trước đây phụ thuộc 100% vào học phí, nhưng trường đã cố gắng khắc phục, đến nay nguồn thu từ học phí chỉ chiếm 70-77%. Hơn 20% nguồn thu còn lại từ các nguồn như đại dự án từ địa phương và từ công ty của trường...

Từ năm 1994, trường có trung tâm nghiên cứu công nghệ và thiết bị công nghệ. Trường cũng đã bán thành quả về mặt khoa học công nghệ. Công ty khoa học công nghệ của trường một năm thu về khoảng 200 tỷ đồng. 

Hoạt động chuyển giao công nghệ của Trường Đại học Bách khoa tương đối đa dạng từ dịch vụ khoa học công nghệ, tư vấn khoa học công nghệ, lao động sản xuất, đào tạo chuyên sâu và chuyển giao các công nghệ cốt lõi của nhà trường. Trường luôn xem nguồn thu từ các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là nguồn thu quan trọng bên cạnh học phí.

Xem thêm: Trường Đại học Bách khoa thu trung bình khoảng 150 tỷ đồng/năm từ chuyển giao công nghệ

Có thể kể tới một số ví dụ khác như tổng thu của Trường Đại học Kinh tế TPHCM năm 2021 là 1.251,11 tỷ đồng, trong đó, thu từ học phí 888,07 tỷ đồng, từ ngân sách 9,13 tỷ đồng, từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ 10,12 tỷ đồng, từ nguồn hợp pháp khác 307,79 tỷ đồng.

Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG-HCM), năm 2022, dự toán thu 339,865 tỷ đồng, trong đó, thu từ học phí, lệ phí là 233,665 tỷ đồng; từ hoạt động sản xuất kinh doanh 82,7 tỷ đồng; dịch vụ khác 23,5 tỷ đồng.

Trong khi đó, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG-HCM), năm 2021, tổng thu là 324,915 tỷ đồng. Trong đó, nguồn thu từ học phí là 205,038 tỷ đồng; từ ngân sách là 50,217 tỷ đồng; từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là 9,702 tỷ đồng; thu hợp pháp nguồn khác 60,048 tỷ đồng...

Thu từ nguồn tài trợ, hiến tặng

Ở Mỹ và một số nước phát triển, nguồn tiền từ tài trợ, hiến tặng là một khoản lớn của các đại học. Với những ngôi trường nổi tiếng như Harvard, Yale và Princeton, 1/3 ngân sách hoạt động đến từ nguồn này. Các đại học ở Mỹ đưa chúng vào một quỹ riêng và có cơ chế đầu tư, kinh doanh sinh lời.

Tại Việt Nam, Đại học Fulbright nhận được khoản tiền lớn - 40 triệu USD từ 8 doanh nhân ở Việt Nam. Các trường khác được cựu sinh viên, doanh nghiệp tài trợ chủ yếu dưới dạng học bổng, thiết bị thực hành.

Tại Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM), trường lập quỹ từ các cựu sinh viên thành đạt của trường thông qua BKA - Ban đại diện Cộng đồng cựu sinh viên Phú Thọ - Bách Khoa. Từ đó, có nguồn quỹ cho sinh viên vay với lãi suất thấp. Sau khi vay, nếu các em học giỏi, điểm tổng kết cuối năm đạt từ 8/10 trở lên sẽ được tặng luôn khoản vay này.

Tương tự, Trường Đại học Kinh tế Tài chính (UEF) cũng có gói học bổng riêng từ tài trợ của doanh nghiệp.

Năm 2023, UEF áp dụng học bổng doanh nghiệp tài trợ toàn khóa học cho các ngành học xu hướng. Trong đó, thí sinh trúng tuyển vào các ngành: Ngôn ngữ Nhật, Ngôn ngữ Hàn Quốc, Ngôn ngữ Trung Quốc sẽ nhận được học bổng 40% học phí toàn khóa học, sinh viên chỉ còn đóng khoảng 12 triệu đồng/học kỳ.

Với các ngành: Tâm lý học, Khoa học dữ liệu, Thiết kế đồ họa, Quản trị sự kiện, Thương mại điện tử, Quan hệ quốc tế, Truyền thông đa phương tiện, Công nghệ truyền thông, Công nghệ thông tin, Quan hệ công chúng, Quản trị khách sạn, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống của UEF sẽ nhận được học bổng 30% học phí trong toàn khóa học (4 năm), sinh viên chỉ còn đóng khoảng 14 triệu đồng/học kỳ.

Với học bổng doanh nghiệp, sinh viên chỉ cần trúng tuyển vào các ngành học trên sẽ được xét cấp học bổng mà không cần làm thêm thủ tục. Học bổng sẽ cấp cho các bạn trong vòng 4 năm và không cần điều kiện duy trì, không có sự ràng buộc phải làm việc cho doanh nghiệp nào sau khi ra trường...

Có thể thấy, nhiều trường đại học trong nước hiện nay đã có thể "xoay xở" để đa dạng hóa nguồn thu từ các lĩnh vực khác - ngoài học phí.

Để không quá lệ thuộc vào học phí và "chật vật" vì không được tăng học phí, các trường cần tiếp tục có chính sách cụ thể và dám thay đổi để hút các nguồn thu mới phục vụ cho hoạt động giảng dạy và nâng cao chất lượng giảng dạy.