Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Tự chủ đại học để phát triển tốt hơn các nguồn nhân lực chất lượng cao

(VOH) – Tính đến 28/2/2022, có 274 cơ sở giáo dục hoàn thành báo cáo tự đánh giá, 174 cơ sở được tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đánh giá và công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.

Ngày 4/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị Tự chủ đại học năm 2022. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn và Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh chủ trì Hội nghị.

Quảng cảnh hội nghị Tự chủ đại học 2022
Quang cảnh hội nghị Tự chủ đại học 2022

Là một đột phá chiến lược, được kỳ vọng sẽ tạo nên cuộc cách mạng toàn diện cho giáo dục đại học, đến nay, tự chủ đại học đã đạt một số kết quả đáng khích lệ, tạo bước chuyển biến tích cực cả về nhận thức lẫn công tác tổ chức thực hiện. Chuyển biến này xuất phát từ đòi hỏi khách quan, xu thế phát triển của giáo dục đại học trên thế giới và được thúc đẩy bởi chủ trương, đường lối và chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn khẳng định: “Mục tiêu của tự chủ đại học là để làm sao phát huy được nội lực, phát huy được sức mạnh của cả hệ thống, phát huy được sức mạnh của các đơn vị trong một trường cho tới đội ngũ giảng viên. Mục đích cuối cùng là chúng ta thu hút được thêm nguồn lực, nâng cao được chất lượng đào tạo. Khi các cơ sở giáo dục đại học sử dụng nguồn lực dù của Nhà nước hay của xã hội mà tốt hơn, hiệu quả hơn thì nhà nước cần phải đầu tư nhiều hơn”.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu ra nhiều vấn đề liên quan đến tự chủ đại học: “Mục đích của việc tự chủ đại học cuối cùng không phải là tự chủ để tạo điều kiện cho các thầy, các cô, mà là để phát triển tốt hơn các nguồn nhân lực chất lượng cao, một trong ba khâu đột phá chiến lược”.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, mục đích thứ hai của tự chủ đại học là để công bằng hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong tiếp cận giáo dục đại học ở chất lượng cao, để con em nông thôn cũng có thể đi học được. Nhưng mà mở ra rồi, cho tự chủ nâng học phí lên mà không có cơ chế, quỹ học bổng, học phí hỗ trợ ngân sách nhà nước và của các trường thì mất công bằng. Mục đích thứ ba, tự chủ để sử dụng tốt hơn nguồn lực. Nguồn lực ở đây bao gồm nguồn lực con người, phát huy hết vai trò các thầy, các cô, ngay cả của người học và nguồn lực về tài chính. Trong đó, nguồn lực đầu tiên là phát huy tốt hơn nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước, ngoài ra phải thu hút mạnh hơn đầu tư của doanh nghiệp và của người dân thông qua học phí và thông qua các khoản đóng góp. Đây là vấn đề cần bàn. Cuối cùng, làm sao cho tự chủ đại học để thay đổi quản trị các trường đại học thành mô hình quản trị tiên tiến.

Ngày 24/10/2014, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017. Triển khai Nghị quyết này, hệ thống giáo dục đại học đã có bước tiến dài về lực, các nguồn lực được khơi thông và năng lực của cơ sở đào tạo được phát huy tối đa. Hiện nay, đã có 142/232 trường đại học đủ điều kiện tự chủ theo quy định của Luật Giáo dục Đại học (được sửa đổi, bổ sung năm 2018).

Về nhân lực, từ thời điểm được giao thí điểm tự chủ, các trường đã từng bước hình thành cơ cấu nhân lực phù hợp. Các trường có chính sách cạnh tranh, thu hút giảng viên giỏi chuyên môn và khả năng nghiên cứu khoa học. Tỷ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ ngày một tăng, từ 25% năm 2018 lên trên 31% năm 2021.

Về nâng cao năng lực tài chính của cơ sở, từ 2018 đến 2021, tổng thu của các cơ sở giáo dục đại học tự chủ đa phần tăng lên, tổng thu ngoài ngân sách Nhà nước cấp chi thường xuyên cũng tăng; thu nhập bình quân tăng 20,8% đối với giảng viên và 18,7% đối với cán bộ quản lý. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị

Tự chủ đại học tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh; thúc đẩy các trường đầu tư vào điều kiện bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo để cạnh tranh trong tuyển sinh, thu hút sinh viên giỏi; hướng tới thực chất và phát triển bền vững.

Số liệu thống kê cho thấy, quy mô tuyển sinh sinh viên hệ đại trà có xu hướng giảm, tăng quy mô tuyển sinh các chương trình đào tạo tiên tiến, đào tạo chất lượng cao, liên kết đào tạo với nước ngoài và đào tạo bằng tiếng Anh. 

Về đảm bảo chất lượng, tính đến 28/02/2022, cả hệ thống có 274 cơ sở giáo dục hoàn thành báo cáo tự đánh giá; 174 cơ sở giáo dục được tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước đánh giá và công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục; 591 chương trình đào tạo hoàn thành tự đánh giá; 470 chương trình đào tạo được đánh giá ngoài, trong đó có 308 chương trình đào tạo được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Một số cơ sở giáo dục đại học đã gặt hái được thành công thông qua kết quả về xếp hạng đại học ở các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới. Năm 2022, Tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) công bố Bảng xếp hạng các trường ĐH theo lĩnh vực. Ở lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ, Việt Nam có 5 đại học được xếp hạng cao trong tốp 500 thế giới, ở lĩnh vực Kinh doanh và kinh tế theo Bảng xếp hạng Times Higher Education, Việt Nam có hai đại diện; lĩnh vực Khoa học Xã hội, Việt Nam có 3 đại diện.