Đây là nhận định được ông Phạm Đức Nghiệm - Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chia sẻ tại Hội nghị Khoa học và Công nghệ với chủ đề “Thúc đẩy Đổi mới sáng tạo và Thương mại hóa kết quả nghiên cứu” diễn ra vào sáng 15/12.
Theo ông Phạm Đức Nghiệm, hệ thống chính sách pháp luật liên quan tới khoa học và công nghệ, cụ thể là thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu khoa học - do được xây dựng ở các thời điểm khác nhau, góc nhìn của các Bộ, ngành khác nhau nên hiện không nhất quán, không đồng bộ.
Thống kê cho thấy, việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học đang bị “nghẽn” bởi 13 luật và nhiều văn bản dưới Luật như Nghị định, Thông tư. Điều này khiến cho nhiều kết quả nghiên cứu không thể đưa ra thị trường và trong tình trạng “đút ngăn kéo”, gây lãng phí ngân sách nhà nước – ông Nghiệm nêu.
Thực tế, từ nghiên cứu quy mô phòng thí nghiệm chuyển sang sản xuất quy mô công nghiệp đòi hỏi phải có sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý, hợp tác với doanh nghiệp và cần sự đầu tư kinh phí rất lớn, tuy nhiên, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 mới giải quyết việc trao quyền cho tổ chức chủ trì được đi đăng ký sáng chế, đứng tên văn bằng bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ chứ chưa có giải pháp cho vấn đề sử dụng, thương mại hóa, chuyển giao, phân chia lợi ích giữa các bên khi thương mại hoá.
Luật doanh nghiệp 2020 có quy định cho phép được góp vốn bằng tài sản trí tuệ, bằng công nghệ để hình thành doanh nghiệp nhưng Thông tư, Nghị triển khai không hướng dẫn cụ thể. Vì thế các nhà khoa học không thể mang tài sản đó góp vốn đăng ký kinh doanh, không thể hình thành doanh nghiệp Spin-off (mô hình doanh nghiệp được hình thành trong các trường đại học để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học) trên cơ sở kết quả nghiên cứu hoặc tài sản trí tuệ.
Ông Nghiệm phân tích, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 và Nghị định 70 quy tất cả những kết quả nghiên cứu thành tài sản. Do đó các kết quả nhiệm vụ sau khi nghiên cứu cần phải định giá trước khi chuyển giao cho doanh nghiệp, sau đó cần hoàn trả lại toàn bộ số tiền được tài trợ, đầu tư cho nhà nước. "Quy định này đi ngược với bản chất của hàng hóa khoa học và công nghệ là tri thức ẩn và gắn với người tạo ra nó" - ông Nghiệm cho biết.
Luật hiện không cho phép nhà khoa học thành lập doanh nghiệp trong trường đại học. Tuy nhiên, ông Nghiệm cho rằng, theo kinh nghiệm quốc tế, đây là con đường ngắn nhất để chuyển giao kết quả nghiên cứu, thu hút nguồn lực đầu tư xã hội vào nhà trường, nâng cao chất lượng đào tạo, và ‘chất liệu thực tiễn’ trong bài giảng sẽ tốt hơn…
Xem thêm: Cần đầu mối thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ
Ông Nghiệm cũng đề cập đến Luật ngân sách nhà nước 2015 tồn tại vấn đề nguyên tắc phân bổ ngân sách. Ví dụ, một tổ chức nghiên cứu, trường đại học tổng ngân sách chuyển giao công nghệ được 40 tỷ đồng thì kinh phí hàng năm của Nhà nước dự kiến cấp cho trường sẽ trừ đi 40 tỷ đồng - dẫn đến hạn chế những tổ chức, cá nhân tiêu tiền ngân sách có hiệu quả, chuyển giao công nghệ vào sản xuất hỗ trợ doanh nghiệp.
“Ở các nước, nếu đơn vị nghiên cứu không chuyển giao được thì năm sau, nguồn ngân sách cấp sẽ giảm dần. Còn với những đơn vị làm tốt, cứ tạo ra 1 đồng sẽ được Nhà nước cấp thêm 1 đồng để khuyến khích tiêu tiền ngân sách có hiệu quả và tạo ra giá trị cho xã hội. Điều này diễn ra ngược lại ở Việt Nam” - Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ nêu.
Nhiều vấn đề khác về chính sách cũng đươc ông Nghiệm đưa ra phân tích như chính sách phân chia lợi nhuận sau thương mại hóa, chính sách thuế, ưu đãi tín dụng…
Qua đó, ông Nghiệm cho rằng, cần rà soát tổng thể, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để tháo gỡ các rào cản, vướng mắc, đặc biệt đối với các Luật: Luật Doanh nghiệp; Luật quản lý và sử dụng tài sản công; Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Giáo dục đại học; Luật Viên chức; Luật ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư, Luật đấu thầu, Luật Thuế…
Đặc biệt, cần triển khai thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội chấp nhận rủi ro, thất bại trong nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, chính sách tạo động lực thương mại hóa kết quả nghiên cứu…
Hội nghị Khoa học Công nghệ thường niên do Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) tổ chức 2 năm một lần nhằm tạo không gian để các chuyên gia, nhà khoa học, đại biểu các Bộ, ngành, địa phương, các trường đại học và doanh nghiệp gặp gỡ và trao đổi học thuật về những điểm nhấn khoa học, công nghệ, kỹ thuật cũng như mở rộng hợp tác trên nhiều phương diện.
Năm 2023, Hội nghị Khoa học Công nghệ hướng đến nội dung hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp nhằm tạo môi trường hỗ trợ các hoạt động Khởi nghiệp – Đổi mới sáng tạo không những trong cộng đồng sinh viên và viên chức của nhà trường mà cho cả sinh viên và thanh niên của TPHCM và cả nước.
Hội nghị diễn ra vào ngày 15/12 chia sẻ về thực tiễn đổi mới sáng tạo và thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong Nhà trường, doanh nghiệp và các chính sách, định hướng của Nhà nước về vấn đề này.