Thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học từ đại học: Cần chung một tâm thế thị trường

(VOH) - Mỗi năm có hàng ngàn kết quả nghiên cứu, sáng chế trong nước ra đời nhưng rất ít kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào sản xuất hay trở thành sản phẩm thương mại trên thị trường.

Mỗi năm có hàng ngàn kết quả nghiên cứu, sáng chế của các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu, tổ chức trong các doanh nghiệp, nhóm nghiên cứu trong nước và từ các tổ chức, cá nhân nước ngoài đăng ký tại Việt Nam.

Đây là nguồn tài sản trí tuệ rất lớn đóng góp vào nguồn kết quả nghiên cứu, sáng chế phục vụ khai thác thương mại, phát triển sản xuất ở nước ta. Tuy nhiên rất ít kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào sản xuất hay trở thành sản phẩm thương mại trên thị trường.

Hiện nay, việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ còn nhiều hạn chế so với nhu cầu. Sản phẩm được thương mại hóa chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong số các đề tài nghiên cứu. Hạn chế này có nhiều nguyên nhân cần nghiên cứu cả về cơ sở lý luận và thực tiễn.

nghiên cứu khoa học, nghiên cứu giống dừa
Dự án nghiên cứu chọn tạo và nhân giống dừa do Trường Đại học Quốc tế (ĐHQG TPHCM) phối hợp Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ tỉnh Bến Tre, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bến Tre, Đại học Nông lâm và Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu thực hiện. (Ảnh: LH)

Bàn về các mô hình thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học từ trường đại học của các nước trên thế giới, đề xuất mô hình hoạt động của một tổ chức có khả năng thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong các trường đại học, VOH phỏng vấn ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ (SIHUB), Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM về vấn đề này.

* VOH: Ông có thể chia sẻ các mô hình tổ chức thương mại hóa kết quả nghiên cứu trên thế giới? Với các mô hình này, Việt Nam có thể tham khảo và học tập kinh nghiệm ra sao?

- Ông Huỳnh Kim Tước: Thực chất thế giới đã có bề dày hàng trăm năm về kinh doanh các kết quả nghiên cứu từ khoa học. Với cái nhìn tổng quan, đặc điểm kinh tế, nền tảng khoa học của các nước, tựu trưng quay về 4 mô hình phổ biến trên thế giới.

Mô hình thứ nhất là các tổ chức mang tính đơn giản, mang tính hỗ trợ.

Mô hình thứ hai là mô hình mang tính hỗ trợ, thúc đẩy, phát triển các nghiên cứu đơn giản công nghệ ở mức độ không cao, không phải là công nghệ gốc, công nghệ nguồn, ví dụ như môi trường thúc đẩy các công ty hình thành các spin off/spin out hay các startup.

Mô hình thứ ba tập trung vào mức độ cao hơn, ngoài những chức năng spin off/spin out thì có thêm chức năng là làm sao phát triển thêm cả chuyển giao các công nghệ nguồn đến các tập đoàn, để từ đó tiếp tục từ các nguồn lực của các tập đoàn phát triển ra các công nghệ thứ cấp, rồi từ đó mới phát triển ra các sản phẩm.

Như vậy, nó có thêm bước công nghệ cao hơn, chuyển giao, mua bán bản quyền của các công nghệ cao, để từ công nghệ cao đó phát triển ra các công nghệ thứ cấp. Từ công nghệ thứ cấp đó mới phát triển thành sản phẩm thị trường.

Mô hình cuối cùng là sau một thời gian như vậy, câu chuyện đặt ra là nó cần một cái hình thức để quản trị và có chiến lược rõ ràng từ mua bán, bản quyền, đầu tư kinh doanh… thì lúc đó hình thành mô hình về tài chính, hình thành các tổ chức holdings trong các trường đại học.

Về căn bản các mô hình này dựa trên: hiện trạng, ưu thế của từng đại học, thứ hai là nền tảng hạ tầng của địa phương đó, quốc gia đó. Hạ tầng này gồm một hệ sinh thái bao gồm thể chế nhà nước, tài chính, khả năng công nghệ, khả năng ươm tạo, rồi các hạ tầng của các công ty, tập đoàn tiếp nhận… cả hệ thống này sẽ tạo ra sự lựa chọn mô hình của các đại học tham gia vào.

đại học bách khoa, tàu tự hành

Tàu không người lái  - nghiên cứu của TS.Trần Ngọc Huy - Giảng viên Bộ môn Điều khiển Tự động, Khoa Điện - Điện tử, Đại học Bách khoa (ĐHQG TPHCM) (Ảnh: LH)

* VOH: Dựa trên 4 mô hình phổ biến trong việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu từ đại học trên thế giới, nhóm nghiên cứu đề xuất mô hình hoạt động của một tổ chức có khả năng thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong các trường đại học tại Việt Nam như thế nào?

- Ông Huỳnh Kim Tước: Có thể chia đại học Việt Nam thành 3 cấp độ.

Thứ nhất, các đại học quốc gia hoặc đại học vùng. Họ có đặc điểm là có các trường đại học trực thuộc, tương đối đã có một hệ sinh thái với quy mô, độ lớn tương đối đủ, có nền tảng quan hệ đủ lớn với chính sách nhà nước, với doanh nghiệp.

Tôi cho rằng ở cấp độ này mới có thể tổ chức các công ty holdings được. Dĩ nhiên các công ty holdings này bao gồm cả chức năng là chuyển giao công nghệ, chức năng phát triển các spin off/spin out, startup…

Đối với các trường đại học độc lập mà có năng lực công nghệ thì có thể đi theo mô hình các business incubator (vườn ươm doanh nghiệp), có khả năng tạo ra các năng lực công nghệ ở mức độ thứ cấp và có thể tiệm cận với việc tạo ra sản phẩm cho thị trường.

Còn nhóm các trường đại học với năng lực tổ chức quản trị kinh doanh công nghệ chưa có hoặc thị trường chưa có thì hình thành các tổ chức mang tính hỗ trợ: hỗ trợ cho các nhà khoa học mang tính kết nối là chính.  

* VOH: Để có thể phát huy các mô hình và chính sách đã đề xuất, theo ông trách nhiệm – nghĩa vụ đối với từng bên tham gia, ông đưa ra những khuyến nghị cụ thể như thế nào?

- Ông Huỳnh Kim Tước: Thật sự đây là chuyện lớn, không thể giải quyết trong thời gian ngắn được. Chúng ta phải giải quyết hệ thống, chứ không phải giải quyết từng yếu tố. Kể cả từ hệ thống nhà nước, cho tới trường đại học, cá nhân nhà nghiên cứu nhà khoa học, cho tới các công ty tập đoàn… chúng ta phải giải quyết đồng bộ như vậy.

Cho nên đó là chuyện không dễ trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là về mặt nhận thức. Tất cả các bên phải có cùng nhận thức. Nhận thức căn bản đầu tiên đó là: nó là thị trường. Mỗi người tham gia thị trường phải ở tâm thế thị trường. Ngay cả với các nhà khoa học, đại học, cũng phải ở tâm thế đó.

Tâm thế thứ nhất là phải xây dựng được ở đại học một văn hóa kinh doanh – văn hóa thị trường, đây là điều tiên quyết. Đến khi nào trường đại học có tâm thế “tôi kinh doanh kết quả nghiên cứu, tôi phải đầu tư, tôi phải thiết kế câu chuyện theo hướng đó”.

Thứ hai, tâm thế cần có là nhà khoa học phải coi nghiên cứu của mình có phải là hàng hóa hay không, phải giải quyết vấn đề chính danh, tính pháp lý của nghiên cứu của mình: có đăng ký sở hữu trí tuệ được không, có giá trị thương mại hay không, có thương mại hóa được không. Nếu chúng ta nói nghiên cứu này hướng đến thị trường thì chúng ta phải tuân theo nguyên tắc của thị trường.

Thị trường có ba nguyên tắc: phải là hàng hóa, sản xuất được và trên quy mô công nghiệp. Chúng ta thị trường hóa nghiên cứu đó còn phải qua các chuyển giao, qua các công ty, hoặc phát triển các spin off/spin out hoặc startup thì nó mới ra sản phẩm thị trường.

* VOH: Cám ơn ông!