Sẽ tăng cường giám sát quá trình tuyển chọn tác giả, thực nghiệm sách giáo khoa

(VOH) - Trong báo cáo gửi Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết sẽ tăng cường giám sát quá trình tuyển chọn tác giả, thực nghiệm sách giáo khoa.

Báo cáo gửi Quốc hội việc thực hiện Nghị quyết số 41 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ sẽ tăng cường giám sát quá trình tuyển chọn tác giả, thực nghiệm sách giáo khoa của các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách tại các cơ sở giáo dục theo đúng quy định, đảm bảo chủ động về tiến độ chuẩn bị sách theo đúng lộ trình

Đồng thời, Bộ sẽ lựa chọn chặt chẽ hơn các thành viên tham gia hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa, tăng cường trách nhiệm và giám sát việc thực hiện của các hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa để nâng cao chất lượng; Tiếp tục chỉ đạo triển khai việc biên soạn sách giáo khoa dân tộc, đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng theo kế hoạch đã ban hành; Chỉ đạo, huy động các nguồn lực để tổ chức dịch một số sách giáo khoa được phê duyệt sang sách chữ nổi Braille; Phát huy việc biên soạn sách giáo khoa điện tử, học liệu điện tử theo đúng tinh thần xã hội hóa...

sách giáo khoa
Học sinh quan tâm, hứng thú với sách giáo khoa

Theo báo cáo được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố tối 28/9 tại Hội thảo về công tác biên soạn, xuất bản, sử dụng sách giáo khoa giáo dục phổ thông, hiện có 6 khối lớp đang sử dụng sách giáo khoa mới là 1, 2, 3 (tiểu học), 6, 7 (THCS) và 10 (THPT); Có 1.574 tác giả đã tham gia biên soạn, trong đó 384 biên soạn sách giáo khoa lớp 10; 318 biên soạn sách lớp 7; các lớp còn lại trên dưới 200 người. Các tác giả đều đạt chuẩn theo quy định, khoảng 70% có trình độ từ tiến sĩ trở lên.

Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ sách có những sáng tạo riêng về trình bày, thể hiện nội dung đối với cùng một yêu cầu cần đạt. Các sách khác nhau lựa chọn ngữ liệu, hình ảnh, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá khác nhau, đáp ứng nhu cầu sử dụng của các địa phương với sự khác biệt đặc điểm kinh tế, xã hội, văn hoá.

Tuy nhiên, một số nội dung, thuật ngữ được sử dụng trong các bản mẫu sách giáo khoa chưa đảm bảo tính liên thông giữa các môn học/hoạt động giáo dục. Tiến trình nội dung bài học trong một môn học còn có sự chênh lệch đáng kể giữa các sách khác nhau. Một số bản mẫu có lỗi về nội dung, chính tả, ngôn ngữ, hình ảnh...

Ngoài ra, việc xem xét, thẩm định đối với một vài văn bản, ngữ liệu đưa vào sách giáo khoa chưa chú ý đầy đủ các khía cạnh tác động xã hội; gây băn khoăn trong dư luận.

Đối với việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng biên soạn, thẩm định sách giáo khoa, hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành chỉ thị về việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo tại các cơ sở giáo dục. 

Trong đó chỉ đạo các nhiệm vụ cụ thể đối với giám đốc các sở giáo dục và đào tạo, Nhà xuất bản Giáo Dục, các nhà xuất bản có sách giáo khoa đã được phê duyệt thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng, tăng tỉ lệ sách được sử dụng lại nhiều lần. Đồng thời không ép buộc học sinh, gia đình học sinh mua sách tham khảo, sách bài tập.

Liên quan tới sách giáo khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa đề xuất Chính phủ phương án trích từ ngân sách 3.500 tỉ mua sách giáo khoa đưa vào các thư viện cho học sinh mượn. Theo tính toán, sách đưa vào thư viện sẽ đáp ứng nhu cầu của 70% học sinh.

Liên quan đến vấn đề này, đã có nhiều ý kiến khác nhau, trong đó người ủng hộ, người cho rằng, Bộ cần cân nhắc, tính toán kỹ vì thực tế không phải học sinh nào cũng có nhu cầu mượn sách. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, cần tính toán, cân nhắc kỹ thay vì mua chi số tiền lớn mua mới lượng sách khổng lồ, rất lãng phí. Việc chi mua sách giáo khoa cho học sinh mượn chỉ nên áp dụng cho học sinh ở vùng khó khăn, miền núi, hải đảo…