Euronews đã trao đổi với giáo viên, học sinh và phụ huynh để tìm hiểu cách mà quốc gia Scandinavi này giải quyết vấn đề bắt nạt trong trường học.
Sluseholmen Skole ở Copenhagen là một trong nhiều trường học ở Đan Mạch dạy trẻ em cách tránh bị bắt nạt từ khi còn nhỏ. Điều này gây ra ít thiệt hại hơn so với những nơi khác ở châu Âu.
Thiền và âu yếm là một phần thói quen buổi sáng của học sinh tiểu học tại Sluseholmen Skole. Đối với giáo viên Maja Hindsgaul, sức khỏe là chìa khóa của việc học.
Cô Hindsgaul nói: "Tôi là người mà các em có thể nói chuyện nếu có điều gì đó khó khăn. Và tôi thực sự đang nói rất nhiều về việc tôi là ai và tôi thích gì, và rằng các em muốn ôm cô cũng không sao. Tôi cũng thích điều đó".
"Tất nhiên, các em phải học đọc, viết và những thứ tương tự, nhưng các em có thể làm điều đó nếu cảm thấy an toàn. Nhiệm vụ của tôi là làm cho các em cảm thấy an toàn để các em có thể phát triển các kỹ năng xã hội ở trường".
"Học cách chung sống với nhau" là một phần của việc giảng dạy
Giáo viên Louise Ibsen cho biết: “Chúng tôi luôn cố gắng để bọn trẻ làm việc cùng nhau trong các loại nhóm khác nhau, không phân biệt giới tính và không phải lúc nào cũng làm việc với những người bạn thân nhất của mình. Các em cũng được thực hành các kỹ năng xã hội về giao tiếp và cả cách thỏa hiệp với những ý tưởng khác mình".
Những phương pháp này chỉ là một số ví dụ về các chương trình được sử dụng ở nhiều trường học ở Đan Mạch để ngăn chặn bắt nạt ngay từ khi còn ở mẫu giáo và các em rất dễ tiếp thu.
Học sinh Polly Schlüter Bingestam nói: “Mọi người đều hoàn toàn tôn trọng lẫn nhau. Bạn bè giúp đỡ con nếu con bị bắt nạt vì họ ngăn chặn những kẻ bắt nạt và gọi giáo viên".
Fatemeh Shahmarvand là phụ huynh và là thành viên của hội đồng nhà trường. Cô Fatemeh cho biết, việc phụ huynh là thành viên của hội đồng trường cho phép họ tham gia vào các quyết định liên quan đến các chương trình của trường, đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn bắt nạt.
"Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là nếu bạn thấy con mình cảm thấy tồi tệ, bạn hãy nghiêm túc xem xét điều đó và cố gắng tìm hiểu xem điều gì có thể sai, rằng các bậc cha mẹ chúng ta hãy nói chuyện với con mình và tìm cách khiến con mạnh mẽ hơn một chút để con có thể học cách đương đầu với nghịch cảnh" - cô nói với Euronews.
Đan Mạch, cùng với Thụy Điển và Phần Lan, là một trong những quốc gia có tỷ lệ bắt nạt thấp nhất châu Âu. Tuy nhiên, một trung tâm do tổ chức phi chính phủ về quyền trẻ em Đan Mạch Børns Vilkår quản lý đã nhận thấy số lượng cuộc gọi liên quan đến bắt nạt cũng như ý nghĩ tự tử, đặc biệt là ở thanh thiếu niên ngày càng gia tăng.
Rasmus Kjeldahl, Giám đốc điều hành của Børns Vilkår, cho biết: “Chúng tôi nhận được cuộc gọi từ các em ở nhiều nhóm tuổi về vấn đề bắt nạt, nhưng dường như đó là một vấn đề đặc biệt đối với những trẻ từ 10 đến 15 tuổi" và rằng, “kỹ thuật số đã khiến mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn vì việc bắt nạt không dừng lại khi trẻ rời trường”.
Helle Hansen là nhà nghiên cứu về vấn đề giáo dục và bắt nạt học đường. Cô là một trong những chuyên gia đã thiết kế các chương trình chống bắt nạt được áp dụng tại các trường học ở Đan Mạch cách đây 15 năm.
Cô nói rằng, những chương trình như vậy đã thành công nhưng cần phải được nghiên cứu lại trong bối cảnh thực tế mới.
Tầm quan trọng của giao tiếp và trao "quyền lực" cho học sinh
Tại nhiều trường học ở Đan Mạch, bạn có thể tìm thấy điều lệ chống bắt nạt trên trang web của trường.
Đối với hiệu trưởng trường trung học Greve Gymnasium gần Copenhagen, việc hiểu rõ thanh thiếu niên là điều đương nhiên: “Hơn cả các biện pháp trừng phạt, điều quan trọng nhất là sự năng động trong hoạt động nhóm và đối thoại với học sinh. Các em có tiếng nói trong chiến lược chống bắt nạt, cũng như tiếng nói trong tất cả các quy tắc quản lý cuộc sống học đường”.
"Chúng tôi cố gắng gần gũi với học sinh bằng nhiều cách và thảo luận về việc giảng dạy, các nguyên tắc sư phạm, những gì các em làm trong giờ giải lao, những gì các em làm trong thời gian rảnh rỗi và tất nhiên là cách các em tương tác trên mạng xã hội. Chúng tôi có những bài học về điều đó nữa” - Mette Trangbæk, Hiệu trưởng trường Greve Gymnasium cho biết.
"Điều rất quan trọng là chúng tôi dám đến gần các em và dám tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống của các em, không chỉ cuộc sống trong lớp học mà cả trong thời gian rảnh rỗi của chúng. Chúng tôi làm việc dựa trên sự tin tưởng, bởi vì niềm tin là cách để gắn kết chặt chẽ với các em, nhưng đó cũng là cách hành động để giải quyết vấn đề” – vị hiệu trưởng cho biết.
Sanne Yde Schmidt, giáo viên Toán và Lịch sử nêu quan điểm: "Tôi nghĩ rằng, rất nhiều hành vi bắt nạt xuất phát từ hệ thống phân cấp không hiệu quả. Sau đó mọi người cố gắng giành quyền lực bằng cách bắt nạt người khác. Và nếu bạn không cần nắm quyền lực vì ngay từ đầu bạn đã có quyền lực trong cuộc sống của mình thì đó là một tình huống khác".
Mathias Keimling, đại diện học sinh trong hội đồng trường chỉ ra: “Học sinh có tiếng nói khá lớn trong các quyết định của nhà trường, đặc biệt trong hội đồng quản trị trường, nơi ý kiến của học sinh chắc chắn sẽ được lắng nghe”.
Trong khi học sinh khác có tên Lucija Mikic cảm thấy tỷ lệ bắt nạt ở Đan Mạch thấp hơn so với những nơi khác ở châu Âu bởi vì "chúng em học từ khi còn nhỏ về cách đối xử với người khác như cách chúng em muốn được đối xử. Điều đó được xây dựng rất rõ ràng trong cách chúng em được dạy. Và đó là điều chúng em sẽ nghĩ đến trước khi nói bất cứ điều gì với người khác".
Học sinh Jonathan Emil Bloch Teute chia sẻ rằng, cách trẻ em và thanh thiếu niên đối xử với người lớn cũng đóng một vai trò quan trọng: "Giáo viên và phụ huynh được coi là những người bạn tâm giao và hướng dẫn hơn là những người có thẩm quyền mà bạn phải tôn trọng và trả lời. Nếu bạn từng bị bắt nạt ở Đan Mạch, tôi nghĩ mọi học sinh đều có người lớn tuổi hơn để có thể liên hệ và giúp khắc phục vấn đề này”.