Chờ...

Tiến tới giảng dạy lý luận chính trị và báo chí truyền thông bằng hình thức trực tuyến

(VOH) - Giảng dạy lý luận chính trị và báo chí truyền thông bằng hình thức trực tuyến sẽ tạo cơ hội cho người học cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ của mình bất cứ thời gian nào và ở đâu.

Sáng nay (25/10), Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp với Học viện Cán bộ TPHCM tổ chức Hội thảo khoa học Thực trạng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và báo chí – truyền thông trực tuyến ở Việt Nam; những vấn đề đặt ra và định hướng giải pháp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và báo chí – truyền thông trực tuyến ở vùng Nam Bộ. Đây là đề tài khoa học cấp Bộ do hai đơn vị này phối hợp thực hiện.

Tại hội thảo, các nhà khoa học đã trao đổi, thảo luận về các vấn đề như thực trạng nhà trường và nhà tuyển dụng hợp tác đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến nhân lực ngành báo chí – truyền thông, các giải pháp triển khai thực hiện đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và báo chí truyền thông trực tuyến ở Việt Nam thời gian tới.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Mai Đức Ngọc

Phó Giáo sư Tiến sĩ Mai Đức Ngọc (đứng) Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ tại hội thảo

Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Mai Đức Ngọc, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và báo chí truyền thông là những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương chính sách, công tác tư tưởng – lý luận của Đảng.

Việc đổi mới các hình thức tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cũng là một trong những hướng đi nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Trong đó, đào tạo bồi dưỡng trực tuyến chính là hình thức đào tạo, bồi dưỡng có khả năng đáp ứng yêu cầu này, có thể tạo ra những cơ hội học tập mới cho người dân cũng như đáp ứng yêu cầu mở rộng phát triển của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng lý luận, chính trị và báo chí truyền thông ở Việt Nam.

“Lý luận chính trị sẽ trở thành sức mạnh vật chất khi thâm nhập vào quần chúng và thực tiễn. Nhưng hiện nay, các nhà trường, các cơ sở giáo dục xây dựng các chương trình bồi dưỡng cập nhật kiến thức phù hợp cho đông đảo đối tượng người học chưa được quan tâm nhiều.

Trong mô hình đào tạo truyền thống, việc tiếp nhận người học để tổ chức đào tạo một cách bài bản cũng rất là khó khăn. Vì vậy, hình thức đào tạo trực tuyến sẽ tạo cơ hội cho người học cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ của mình bất cứ thời gian nào và ở đâu” - Phó Giáo sư Tiến sĩ Mai Đức Ngọc chia sẻ.

Chia sẻ về vấn đề đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến cho cán bộ biên tập xuất bản sách lý luận, chính trị ở nước ta hiện nay, Phó Giáo sư Tiến sĩ Hà Huy Phượng, Trưởng Khoa Xuất bản - Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định, để xuất bản, phát hành sách lý luận chính trị hiệu quả cần bắt đầu từ nhân lực ngành xuất bản, trong đó có các cán bộ làm biên tập, xuất bản.

Các cơ sở đào tạo ngành xuất bản có vai trò tiên phong từ xây dựng chương trình đào tạo đến nội dung, phương pháp và các điều kiện nhân lực, vật lực…

Hơn 50 năm đào tạo, Phó Giáo sư Tiến sĩ Hà Huy Phượng cho rằng, có nhiều điểm cần phải rút kinh nghiệm trong quá trình đào tạo để bổ sung đội ngũ đặc thù biên tập sách lý luận chính trị. Đó là xây dựng nội dung chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, người học cũng rất đặc thù…

Phó Giáo sư Tiến sĩ Hà Huy Phượng chia sẻ: “Sắp tới đây chúng tôi sẽ xây dựng chương trình đào tạo trực tuyến thử nghiệm những bài giảng điện tử, để đào tạo trực tuyến đội ngũ này. Ví dụ, đội ngũ những tác giả sách lý luận chính trị thường bận rộn, là nhà nghiên cứu, nhà chính trị không phải lúc nào cũng có thời gian đến tập trung ở các cơ sở đào tạo ngắn hạn, dài hạn. Thông qua hình thức trực tuyến họ có thể tham gia học tập kiến thức cũng là tương đối tốt”.

Theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Công nghệ cao AI Việt Nam, để triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến ở trường đại học, các trường có thể thực hiện bằng cách thí điểm thời gian ngắn từ 1 – 2 năm trước, từ việc xây dựng hạ tầng, triển khai phần mềm, xây dựng một số nội dung rồi sau đó mới tiến hành tổ chức thí điểm đào tạo thì chi phí sẽ không nhiều.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Trung đánh giá: “Qua việc thí điểm, bản thân các giảng viên, ban giám hiệu, sinh viên sẽ có nhiều ý kiến để sau đó mình làm những đề án lớn để triển khai. Đào tạo trực tuyến trên thế giới là xu hướng tất yếu, là sự kết hợp, là công cụ để giảng dạy chứ không tách riêng ra”.

Tại các nước đang phát triển, giáo dục trực tuyến là cơ hội lớn để đẩy nhanh cải cách giáo dục, đào tạo. Có nhiều cách áp dụng mô hình học trực tuyến như video streaming, tương tác người – máy, người – người, tuy nhiên cho đến nay mô hình học đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến tương tác giữa học viên và giảng viên được lựa chọn nhiều hơn.

Công ty Nước sạch sông Đà xin lỗi và miễn phí tiền nước một tháng cho khách hàng - Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) vừa gửi thông báo xin lỗi khách hàng và miễn phí tiền nước một tháng.

Cán bộ Liên đoàn Lao động TPHCM dâng hương tưởng nhớ anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu - Sáng nay (25/10), trong chuyến hành trình về nguồn tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đoàn cán bộ chuyên trách Liên đoàn Lao động TPHCM đã đến dâng hương tại tượng đài anh hùng liệt sỹ Võ Thị ...