Tiến sĩ Bùi Hồng Quân, Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư Phạm TPHCM cho rằng AI, ChatGPT giúp việc dạy học nhanh và tiện dụng, cung cấp nguồn dữ liệu nhanh chóng, phong phú.
Việc sử dụng AI, ChatGPT trong giáo dục cũng đặt ra nhiều thách thức cả về phía người dạy và người học.
Tiến sĩ Bùi Hồng Quân nhấn mạnh, phải đảm bảo rằng ChatGPT chỉ cung cấp thông tin chính xác và có giá trị cho các học sinh. Nếu học sinh được cung cấp những thông tin sai lệch sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình học tập và phát triển.
Cùng nhận định, Thạc sĩ Võ Hoàng Quân, Khoa Công nghệ thông tin trường Đại học Sư Phạm TPHCM, cho rằng việc ra đời của ChatGPT đòi hỏi thay đổi phương thức đánh giá người học.
Bên cạnh những thuận lợi: Tính khách quan, tiết kiệm thời gian hơn, hỗ trợ phân tích bài làm của học sinh...ứng dụng ChatGPT cũng đặt ra nhiều thách thức trong công tác đánh giá giáo dục như độ chính xác của thông tin, kỹ năng mềm của học sinh, gian lận học đường, tính minh bạch liêm chính trong học thuật...
Thạc sĩ Võ Hoàng Quân cho rằng: “Người làm giáo dục cần có những thay đổi để giải quyết các bất cập. Thay vì cho bài tập về nhà, giáo viên có thể đẩy mạnh hơn các hoạt động tại lớp, vấn đáp...".
“Chúng ta hãy tiếp cận ChatGPT để nó trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho người thầy ở mọi khía cạnh chứ không nên xem ChatGPT là một rào cản”, Thạc sĩ Võ Hoàng Quân nhấn mạnh.
Tại buổi toạ đàm các đại biểu cũng cho rằng để đảm bảo công nghệ được sử dụng một cách đúng đắn và hiệu quả, giáo viên cần có đầy đủ kiến thức về công nghệ để định hướng cho học sinh. ChatGPT nên được xem là công cụ hỗ trợ các hoạt động giảng dạy, vai trò của con người vẫn là then chốt, quyết định sự phát triển, thành công của giáo dục.