Kiểm soát tốt đầu vào
Cả nước có hàng trăm ngàn trường học tổ chức bữa ăn bán trú, nhưng chỉ có một số rất ít xảy ra chuyện “méo mó” như con sâu làm rầu nồi canh, khiến cho bát cơm của trẻ em chưa đủ lượng và chất.
Thực tế cho thấy, cách tổ chức bữa ăn đầy tâm huyết của một số ngôi trường đã khiến phụ huynh yên tâm, học sinh được “no cái bụng, ngon cái miệng”.

Thầy Nguyễn Minh Đạo - Hiệu trưởng trường Tiểu học Mỹ Thủy (TP Thủ Đức) chia sẻ: “Tôi và hai cô hiệu phó lên lịch thay phiên nhau, mỗi sáng có mặt trước giờ xe chở thực phẩm đến trường. Sau khi xác định các nguyên liệu nhà cung cấp đưa đến, tuân thủ đúng cam kết chúng tôi mới đồng ý để nhà bếp tiếp nhận”.
Không chỉ vậy, nhà ăn của trường này luôn sạch sẽ, được khử khuẩn thường xuyên. Căng tin được đặt tách riêng gần cổng ra vào, phục vụ điểm tâm cho học sinh và phụ huynh có nhu cầu. Dĩ nhiên, phải chấp hành đúng quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm căng tin mới được kinh doanh.
Cô Nguyễn Thị Thùy Trang - Hiệu trưởng trường Tiểu học Phong Phú (nơi tổ chức bữa trưa cho 1.500 học sinh) tâm sự: “Chúng tôi khuyến khích đại diện hội phụ huynh tham quan bữa ăn bán trú đột xuất. Sự chứng kiến của các bậc cha mẹ, còn có tác dụng giúp những người đảm nhận khâu chọn mua thực phẩm và chế biến thức ăn, luôn nâng cao ý thức trách nhiệm”.
Thực tế cho thấy, ngoài hệ thống camera giám sát, sự hiện diện của phụ huynh đã góp phần không nhỏ, giữ cho bữa ăn học đường luôn mang đến sự hài lòng cho cả nhà trường lẫn học sinh – cô Trang nhận định.
Thầy Lê Trọng Duy - Hiệu trưởng trường Mầm non Ban Mai (TP Thủ Đức) nói: “Hàng ngày tôi trực tiếp kiểm tra giám sát từ công đoạn tiếp nhận đến chế biến thực phẩm, cho cả bữa sáng và trưa. Thức ăn cho học sinh tuyệt đối không để xảy ra sơ suất, nhất là ở lứa tuổi mầm non”. Nhờ đó nên hơn 15 năm hoạt động, trường Ban Mai chưa từng xảy ra “trục trặc” dù rất nhỏ.
Từ câu chuyện của những ngôi trường vừa rồi, rất dễ hình dung để có được bữa ăn no, ngon, hợp vệ sinh, các thầy cô phải vất vả như thế nào. Đối với những ngôi trường có trên 2.000 học sinh, dĩ nhiên sẽ càng phải chú tâm nhiều hơn.
Sự cố chỉ xảy ra ở nơi buông lỏng quản lý
Bên cạnh vai trò chính của nhà trường, các bậc cha mẹ thông qua ban đại diện hoặc chi hội phụ huynh cũng đã phát huy vai trò của mình trong việc cất ‘tiếng nói’ bảo vệ quyền lợi cho trẻ em. Khi điều này được thực hiện, hầu như hiếm khi xảy ra chuyện “lùm xùm”.
Theo các chuyên gia, các bậc cha mẹ nên chú trọng động viên con em “tường thuật” lại chi tiết bữa ăn ở trường. Khẩu vị mỗi học sinh mỗi khác, nhưng chuyện ăn đủ no và thực đơn mỗi ngày đương nhiên các em đều nhớ rõ.
Hiện nay, mạng lưới y tế cơ sở đang được đầu tư, bổ sung đáng kể, sẽ càng tốt hơn nếu trường học kết hợp cùng các trạm y tế phường, xã trong việc chăm sóc sức khỏe, kể cả nhu cầu ăn uống hàng ngày của học sinh tại trường.
Có thể đúc kết về “hàng rào” giám sát bảo vệ bữa ăn học đường như sau: đơn vị cung cấp đề cao tinh thần trách nhiệm, đưa tiêu chí an toàn và trung thực lên hàng đầu; nhà trường, phụ huynh luôn theo dõi sâu sát; cơ quan chuyên môn tăng cường hỗ trợ; học sinh phản ánh đầy đủ, chính xác về bữa ăn với giáo viên và cha mẹ.
Khi công tác giám sát bữa ăn được thực hiện nhịp nhàng, kết hợp với việc các trường gắn camera khu vực nhà ăn – công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học sẽ được thực hiện hiệu quả và giảm tối đa các sự cố ảnh hưởng tới sức khỏe của các em học sinh.