Chiều 26/9, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị giao ban về thực hiện công tác quy hoạch mạng lưới và công tác đầu tư xây dựng trường học giai đoạn 2016-2020, định hướng 2020-2025 nhằm rà soát đánh giá lại công tác xây dựng trường lớp trên địa bàn thành phố trong thời gian qua.
Toàn cảnh hội nghị.
Để đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố đề ra đến cuối năm 2020 đạt 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học, số phòng học cần bổ sung trong giai đoạn 2016-2020 là hơn 14.000 phòng học.
Dù hàng năm thành phố luôn quan tâm đầu tư hàng ngàn phòng học mới, riêng năm học 2019-2020 thành phố cũng đưa vào sử dụng gần 1.500 phòng học, nhưng trong 5 năm qua, chỉ đáp ứng được 50% mục tiêu đề ra với hơn 7.000 phòng học. Từ nay đến năm 2020, còn hơn một năm, thành phố cần tiếp tục đưa vào sử dụng hơn 7.000 phòng học mới có thể đảm bảo nhu cầu về phòng học cho người dân.
Bên cạnh đó, năm học 2020-2021 để đảm bảo 100% học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày và sỉ số 35/học sinh/lớp, theo Điều lệ trường Tiểu học và yêu cầu triển khai chương trình phổ thông mới thành phố cần tiếp tục bổ sung thêm hơn 1.000 (1039) phòng học. Cụ thể Quận 12 cần thêm 139 phòng học, huyện Bình Chánh 124 phòng, Bình Tân 109 phòng, Gò Vấp 92 phòng...
Vì vậy, theo đánh giá của ngành giáo dục công tác xây dựng trường học vẫn còn nhiều khó khăn.
Ông Dương Trí Dũng, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng: "Quy hoạch đất giáo dục tại các quận huyện đến nay vẫn còn thấp chưa đạt đến 50% so với chỉ tiêu thành phố đề ra trong Quyết định 02/2003. Định mức diện tích đất trên học sinh đối với một số quận nội thành chưa đảm bảo.
Việc kiểm soát tình hình nhập cư vào các địa bàn quận huyện, cửa ngõ và tập trung ở các khu chế xuất, khu công nghiệp của thành phố chưa đạt hiệu quả nên dân số tăng cơ học nhanh, ảnh hưởng công tác dự báo, phá vỡ các đồ án quy hoạch, tạo áp lực cho cơ sở hạ tầng và nhu cầu chỗ học cho con em trong độ tuổi".
Ông Trần Phú Lữ, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết hiện huyện mới chỉ đạt 182 phòng học/10.000 dân. Trung bình mỗi năm dân số của huyện tăng từ 25.000 đến 30.000 dân, kéo theo tăng khoảng 5.000 học sinh.
Với quy mô dân số hơn 700.000 dân, để đáp ứng yêu cầu 300 phòng học/10.000 dân, huyện cần đầu tư mới 2.000 phòng học. Dân cư Bình Chánh phần đông là người lao động nghèo nên công tác xã hội hoá giáo dục khó triển khai nên chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước. Các quy hoạch trên địa bàn có thể đáp ứng được nhu cầu trường lớp nhưng việc thu hồi quỹ đất là một vấn đề khó khăn.
Để đẩy nhanh tiến độ công tác thu hồi đất cho trường học, ông Trần Phú Lữ đề xuất: "Cơ chế hiện nay để đầu tư theo quy định mới Luật đầu tư, ông chủ đầu tư nào cũng tập trung đầu tư phần "nạc" trước. Còn các trường học, công viên thì từ từ làm nên yêu cầu tiến độ xây dựng trường học sẽ không đáp ứng được.
Vì vậy, cần tính toán tách quy hoạch trường học ra khỏi các dự án. Dĩ nhiên, nghĩa vụ chủ đầu tư phải đóng góp, nhưng nhà nước sẽ trực tiếp thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Khi có đất, muốn đầu tư ngân sách, xã hội hoá cũng thuận lợi hơn".
Đến thời điểm tháng 9/2019 thành phố có 322/832 dự án đầu tư giáo dục trên địa bàn được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng công tác đầu tư mạng lưới trường học hiện đang dựa trên cơ sở quyết định 02/2003, quy hoạch này đã không còn phù hợp với tình hình hiện tại. Vì vậy cần có kế hoạch quy hoạch lại mạng lưới trường lớp.
Ngoài ra, theo ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, ngành giáo dục đang xây dựng kế hoạch về cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu cho chương trình phổ thông mới sắp triển khai.
“Thứ nhất phải rà soát lại quy hoạch, điều chỉnh bổ sung, làm sao phải đảm bảo diện tích đất giáo dục. Đến hiện nay, thành phố đạt 278 phòng học/10.000 dân, phấn đấu cuối năm sẽ là 288 phòng học. Chúng ta còn thiếu 22 phòng nữa, cần nỗ thực hiện. Sang năm sẽ có quy hoạch mới từng quận huyện và cả thành phố. Chúng ta sẽ đưa ra chỉ tiêu mới, số lượng mới sao cho phù hợp nhất với hoàn cảnh mới, yêu cầu mới."