Không chỉ phụ huynh học sinh nôn nao, các cơ sở giáo dục cũng sớm sẵn sàng chuẩn bị các biện pháp an toàn đón các em trở lại lớp.
Trường trung học cơ sở Đức Trí, vốn là điểm trung chuyển F0 của quận 1 trong đợt cao điểm dịch. Vì vậy, ngay sau khi trường được bàn giao lại cho ngành giáo dục, Ban giám hiệu nhà trường đã nhanh chóng cho thực hiện sữa chữa và khử khuẩn cẩn thận để có thể sớm có thể đón học sinh trở lại trường.
Cách nay 1 tuần, nhà trường chỉ đạo đội ngũ giáo viên chủ nhiệm tiến hành họp phụ huynh toàn khối 9, một mặt tìm hiểu nguyện vọng của các gia đình, mặc khác phổ biến kế hoạch đón học sinh trở lại trường sao cho chu đáo và an toàn nhất có thể.
Bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đức Trí, cho biết khảo sát từ các lớp cho thấy có 70% phụ huynh đồng ý để con học tập trực tiếp. Mức đồng thuận dù cao nhưng vẫn còn một bộ phận phụ huynh lo ngại. Vì vậy, kế hoạch của nhà trường trong 2 tuần học đầu tiên, các lớp sẽ chia đôi để đảm bảo khoảng cách.
Nhà trường phối hợp chặt chẽ với y tế địa phương trong việc xử lý các tình huống F0 như: theo dõi sức khoẻ của học sinh nghi nhiễm để xử lý kịp thời, phân loại F1 có nguy cơ để quyết định tiếp tục đến trường hoặc cách ly tại nhà.
Bà Nguyễn Thị Thu Hồng thông tin: "Trường dành 4 phòng học phía đối diện dùng để cách ly các trường hợp F0. Nếu phát hiện F0, nhà trường sẽ đưa đến khu vực cách ly và báo với y tế và quận.
Ban Giám hiệu nhà trường cố gắng đảm bảo an toàn và sức khoẻ cho các em thông qua các biện pháp khử khuẩn, vệ sinh lớp học, đo thân nhiệt và sẵn sàng các phương án cho học sinh."
Chị Trần Thị Trâm Anh, có con học lớp 9 tại Trường Trung học cơ sở Châu văn Liêm, Quận Phú Nhuận cho biết, lớp con chị có 100% phụ huynh đồng ý cho con trở lại trường học trực tiếp. Các con ở giai đoạn lứa tuổi cần giao tiếp với thầy cô, với bạn bè để phát triển nhưng lại phải nhốt mình trong nhà nhiều tháng qua. Năm nay lại là năm cuối cấp, việc học tập trực tuyến lâu ngày có khi làm giới hạn khối lượng kiến thức được tiếp thu.
Điều này thực sự không tốt cho các con và là nỗi lo âu cho các bậc làm cha mẹ: "Nhiều khi học trên đó, học thì ít mà chơi thì nhiều, phụ huynh rất lo lắng. Đây lại là năm cuối cấp, nếu học kiểu này không có thầy cô trực tiếp sẽ không hiệu quả bằng học tại lớp. Bây giờ, các bạn đã được tiêm ngừa, sống chung với dịch thì chuyện đó là chuyện bình thường. Khi thành phố cho phép mở trường đón học sinh trở lại là đã chuẩn bị hết rồi, thậm chí phòng giáo dục xuống kiểm tra nên mình rất yên tâm."
Cũng là khối lớp sẽ trải qua kỳ thi quan trọng, 12 lớp 12 của Trung học phổ thông Tạ Quang Bửu, Quận 8 sẽ trở lại trường vào ngày 13/12. Trong đợt đón học sinh này, ban giám hiệu trang bị mỗi lớp học thêm 1 chân đế quay điện thoại để có thể quay các hoạt động của giáo viên và chiếu trực tiếp sang màn hình phòng học bên cạnh.
Nhằm đảm bảo khoảng cách cho học sinh nên mỗi lớp học tại trường sẽ được chia làm 2. Hai nửa lớp được bố trí cạnh nhau để giáo viên có thể hỗ trợ kịp thời những thắc mắc của học sinh cũng như quản lý và xử lý các tình huống một cách nhanh chóng.
Ông Phạm Đức Hùng, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Tạ Quang Bửu cho rằng: "Tôi xem đây là cơ hội tốt để có thể khắc phục những khiếm khuyết không thể tránh được của việc dạy và học qua internet. Nhà trường sẽ tận dụng tối đa cũng như lưu ý đặt vấn đề an toàn phòng chống dịch lên hàng đầu. Xác định phải tận dụng giai đoạn này triển khai thật tốt công tác dạy học và phòng chống dịch khi học tập trực tiếp. Chúng tôi cố gắng làm thật tốt để qua 2 tuần thí điểm cả trường có thể học trực tiếp trở lại."
Hiện, Quận 4 là địa bàn duy nhất trên địa bàn Thành phố có tình hình dịch bệnh ở cấp độ 3 - vùng cam, nguy cơ cao. Theo quy định, các cơ sở giáo dục trên địa bàn ở cấp độ dịch này, thời khoá biểu dạy học trực tiếp không quá 12 tiết/tuần, tương ứng khoảng 3 buổi học/tuần. Riêng các khối 6,9,12 có thể bố trí tăng thêm nhưng không quá 18 tiết/tuần tương ứng với khoảng 4 hoặc 5 buổi học/tuần.
Trong tuần qua, Quận 4 cũng đã có buổi diễn tập mẫu xử lý tình huống có F0 xuất hiện trong nhà trường để các cơ sở giáo dục có kinh nghiệm xử trí tình huống hiệu quả. Bà Phạm Thuý Hà, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 4 cho biết thêm: "Tuỳ tình hình các trường sẽ quyết định phân chia lớp như thế nào. Ví dụ, chia sáng một nửa, chiều một nửa hay chia lớp làm đôi ... là tuỳ nhà trường nhưng vẫn phải đảm bảo tỷ lệ Sở Giáo dục và Đào tạo quy định. Các em vẫn tiếp tục học trên truyền hình, qua clip ghi hình, internet để đảm bảo nội dung và thời lượng học tập."
Ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho biết, ngành đã có những hướng dẫn cụ thể về việc duy trì kết hợp chặt chẽ giữa việc dạy học trực tiếp và dạy học qua internet, truyền hình. Thời điểm hiện tại vẫn có một bộ phận học sinh chưa thể tới trường do nhiều lý do.
Việc đảm bảo quyền lợi cho các em, không để bất kỳ học sinh nào bị bỏ lại phía sau trong tiếp cận các hoạt động dạy học tại nhà trường là một nguyên tắc chung trong hướng dẫn chuyên môn cuả Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM : "Bình thường mới thì các trường phải có cơ chế chính sách phù hợp, đảm bảo cho học sinh quyền lợi khi tới trường. Trong quá trình dạy học trực tiếp, nhà trường vẫn phải linh hoạt chuyển đổi hình thức dạy học tuỳ theo cấp độ dịch. Vì vậy, việc quản lý học sinh đi học và trong các ổ dịch vẫn phải được nhà trường quan tâm. Không cứng nhắc việc nghỉ học, vấn đề hiện nay bình thường, phải được thực hiện một cách linh hoạt."
Cuộc sống bình thường mới chỉ có thể bình thường khi người lao động đến công xưởng, cơ quan vẫn có thể an tâm con em mình đang học tập, giao tiếp an toàn trong môi trường phù hợp.
Với sự chuẩn bị chu đáo, sự thích ứng linh hoạt và những phương án phối hợp xử lý kịp thời của ngành giáo dục và ngành y tế, tin rằng việc thí điểm đón học sinh trở lại học tập trực tiếp sẽ an toàn, hiệu quả và thành công.