Chờ...

Đón học sinh trở lại trường học trực tiếp là việc làm cần thiết

(VOH) - Trong Hội nghị tập huấn công tác phòng chống dịch Covid-19 trong các cơ sở giáo dục diễn ra vào chiều 8/12, các đại biểu khẳng định việc đón học sinh trở lại trường rất cần thiết.

Việc học tập trực tuyến trong thời gian dài ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý cũng như là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các tật bệnh học đường, ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của học sinh.

don-hoc-sinh-tro-lai-truong-hoc-truc-tiep-la-viec-lam-can-thiet-voh.com.vn-anh1
Hội nghị tập huấn công tác phòng chống dịch Covid-19 trong các cơ sở giáo dục diễn ra vào chiều 8/12.

Theo hướng dẫn của ngành y tế khi phát hiện trường hợp F0 trong trường học, việc xử lý được thực hiện theo quy trình phối hợp chặt chẽ với y tế địa phương.

Các F1 đã được tiêm vắc xin đủ liều hoặc đã khỏi Covid-19, được đi học và làm việc bình thường nhưng phải tuân thủ 5K, xét nghiệm lại vào ngày 3,7 và tiếp tục mỗi 7 ngày cho đến khi không còn phát hiện F0.

Tuy nhiên, đối với F1 chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19 đầy đủ hoặc đã tiêm đủ liều nhưng có yếu tố nguy cơ như bệnh nền, béo phì được cách ly tại nhà theo quy định.

Theo bác sĩ Võ Hồng Ngọc, Phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế, quy trình xử lý khi phát hiện trường hợp nhiễm trong trường học được thực hiện theo nguyên tắc chính là cách ly ngay, chăm sóc tốt sức khoẻ từ đầu; Xử lý đúng F1, không tràn lan làm  ảnh hưởng hoạt động của nhà trường; Phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và y tế địa phương: "Mục tiêu chủ yếu hướng đến nhóm đối tượng F0 là học sinh. Bởi vì các em học sinh sinh hoạt, học tập, giao lưu nhiều, giờ ra chơi... có thể gây những tình huống phức tạp hơn người lao động trong cơ quan đơn vị".

Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, ngành rất ủng hộ thí điểm cho học sinh trở lại trường. Điều đó góp phần tạo nên điều kiện bình thường mới, cũng như là dịp đánh giá mức độ an toàn của các biện pháp chuẩn bị đón học sinh.

Phó giám đốc Sở Y tế cho rằng, dù dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, lại có biến chủng mới. Tuy nhiên, đến nay dịch bệnh vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Các giải pháp phòng chống Covid-19, xử lý ca bệnh trong nhà trường đáp ứng mục tiêu vừa an toàn vừa thích ứng một cách linh hoạt không cực đoan. Thời điểm này còn là giai đoạn rất tốt để xây dựng cho học sinh kỹ năng phòng chống dịch bệnh cần thiết cả về sau này.

"Việc học tập trực tuyến trong thời gian dài ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý của học sinh. Đặc biệt là lứa tuổi mới lớn sự giao tiếp giữa với nhau cũng ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của các em. Ngoài ra, bệnh và tật học đường hiện là vấn đề sức khoẻ rất lớn của học sinh: cận thị, loạn thị, cong vẹo cột sống...

Một số trường hợp ở nhiều cấp học xuất hiện cả bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, những bệnh mà trước đây nhiều năm không ghi nhận được ở cấp học đó. Những hệ luỵ đó khi học trực tuyến sẽ có điều kiện phát triển và ảnh hưởng lâu dài đến học sinh", ông Nguyễn Hữu Hưng cho biết.

Thực tế ngành y tế và ngành giáo dục đã nhiều lần ngồi lại bàn bạc, trao đổi với nhau để có thể đưa ra các giải pháp xử lý an toàn nhất cho học sinh kể cả các trường hợp chưa tiêm vắc xin, có bệnh lý.

Ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho rằng nội dung hướng dẫn của ngành y tế sẽ giúp các cơ sở giáo dục có đầy đủ thông tin, giải pháp để hướng dẫn học sinh cũng như xử lý các tình huống phát sinh một cách an toàn, hiệu quả.

"Nội dung liên quan an toàn phòng chống dịch tvừa qua có nhiều nội dung 2 sở đã phối hợp chặt chẽ. Qua 2 tuần triển khai học trực tiếp, 2 sở sẽ tiếp tục đánh giá tình hình qua báo cáo của 22 quận, huyện và thành phố để có tham mưu kịp thời cho UBND Thành phố kế hoạch tiếp theo", ông Dương Trí Dũng cho biết thêm.