PGS. TS. Nguyễn Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM cho biết, Trường và Gowin Semiconductor sẽ hợp tác lâu dài trong việc đào tạo và nghiên cứu khoa học trong thời gian sắp tới.
“Nhà trường đang đẩy mạnh và quyết liệt triển khai các công tác chuẩn bị để tiến hành đào tạo vi mạch bán dẫn trong thời gian sớm nhất. Việc hợp tác với các tập đoàn lớn như Siemens và Gowin Semiconductor sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, thực hành và nghiên cứu về lĩnh vực này trong nhà trường” - PGS. TS. Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.
Công nghiệp bán dẫn được xem là hạt nhân của ngành công nghiệp điện tử, có nhiệm vụ tạo ra vi mạch và linh kiện điện tử dùng để sản xuất các sản phẩm phức tạp cho đến các sản phẩm đơn giản dân dụng.
Ứng dụng công nghệ chip và vi mạch bán dẫn cũng được ứng dụng hầu hết trong lĩnh vực giao thông vận tải như thiết kế, thẩm định và mô phỏng các ứng dụng sử dụng cho sản xuất phương tiện giao thông thế hệ mới (ví dụ xe điện, xe không người lái); smart logistics; hệ thống điều khiển phương tiện, thông tin tín hiệu; năng lượng...
Theo PGS. TS. Nguyễn Anh Tuấn, để đáp ứng đòi hỏi khắt khe của thị trường, hoạt động đào tạo nhân lực trong lĩnh vực này cần phải được lồng ghép với kiến thức kỹ thuật và công nghệ cốt lõi khác. Cụ thể ở đây, chính là chip, vi mạch và công nghệ bán dẫn. Trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM vạch rõ lộ trình phát triển và định vị thương hiệu giáo dục vi mạch và bán dẫn trong thị phần thẩm định thiết kế ứng dụng trong sản xuất và lập trình phương tiện giao thông thế hệ mới.
Chi tiết về tuyển sinh và đào tạo ngành học mới này sẽ được trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM công bố trong Đề án tuyển sinh của trường vào thời gian tới.