Chờ...

Nhiều trường đại học tuyển sinh ngành thiết kế vi mạch - bán dẫn trong năm 2024

VOH - Trong kỳ tuyển sinh 2024, nhiều trường đại học đã công bố tuyển sinh ngành, chuyên ngành liên quan tới vi mạch - bán dẫn.

Đến thời điểm này, đã có hàng chục trường đại học thông báo mở chuyên ngành Thiết kế vi mạch, Công nghệ bán dẫn trong kỳ tuyển sinh 2024.

Trong đó, một số trường như trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM; trường Đại học Công nghiệp TPHCM; trường Đại học Quốc tế Sài Gòn (SIU); Đại học Bách khoa Hà Nội; trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội; trường Đại học Bách khoa, trường Đại học Công nghệ thông tin và truyền thông Việt - Hàn và trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (thuộc Đại học Đà Nẵng); trường Đại học Cần Thơ, trường Đại học Phenikaa, trường Đại học FPT tuyển sinh các ngành Thiết kế vi mạch, Vi điện tử - Thiết kế vi mạch, Công nghệ vi mạch bán dẫn…

Cuối năm 2023, 3 trường thành viên của Đại học Quốc gia TPHCM là Bách khoa, Công nghệ thông tin và Khoa học tự nhiên cũng được phê duyệt mở nhóm ngành Thiết kế vi mạch và công nghệ bán dẫn.

Đại học Quốc gia
Sinh viên trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) - Ảnh: T. Huy

Xem thêm: Trường Đại học Bách khoa mở ngành đào tạo vi mạch, bán dẫn

Trong giai đoạn 2023 - 2030, Đại học Quốc gia TPHCM đặt mục tiêu đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển nền công nghiệp vi mạch Việt Nam và thế giới.

Cụ thể, các trường đại học thành viên triển khai đào tạo trên 1.800 kỹ sư và 500 thạc sĩ ngành thiết kế vi mạch. Đại học Quốc gia TPHCM sẽ xây dựng chương trình giảng dạy hiện đại, cấp chứng chỉ công nghiệp và quốc tế về thiết kế vi mạch cho khoảng 15.000 kỹ sư.

Dù là chương trình mới, ở nhiều trường, nội dung về Thiết kế vi mạch, bán dẫn đã nằm trong các ngành gần như Điện tử - Viễn thông, Kỹ thuật máy tính, Vật lý kỹ thuật từ nhiều năm nay.

Các trường cho rằng năm 2024 là thời điểm thích hợp để tách chương trình này thành một chuyên ngành, tiến tới lập ngành riêng, nhằm đáp ứng cơn khát nhân lực của thị trường và chính sách phát triển công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.

Ngành thiết kế vi mạch là một ngành đào tạo nguồn nhân lực phục vụ trong công nghiệp công nghệ cao (hi-tech industry) để tạo ra những sản phẩm công nghệ cao trên thế giới.

Các sản phẩm vi mạch do những kỹ sư tốt nghiệp ngành thiết kế vi mạch thực hiện là thiết bị lõi tích hợp trong các sản phẩm công nghệ như: Điện thoại thông minh, máy tính, thiết bị giải trí trong gia đình, thiết bị gia dụng, thiết bị giải trí trong xe hơi, thiết bị điều khiển trong xe điện, thiết bị chuẩn đoán bệnh trong y khoa, thiết bị chăm sóc sức khỏe…

Sản phẩm vi mạch cũng có thể tích hợp trong các hệ thống tính toán hiệu năng cao (high performance computing - HPC), hệ thống tính toán trên cloud (cloud computing), hệ thống phân tích dữ liệu thông minh (AI data center).

Hiện nay, tại Việt Nam có hơn 50 công ty vi mạch hoạt động, tiêu biểu là Intel, Marvel, Synopsys, Ampe Computing (Mỹ), Renesas (Nhật), BridgeTek và Faraday Việt Nam (Đài Loan).

Theo Cổng thông tin khoa học và công nghệ quốc gia, đến hết năm 2022, Việt Nam có khoảng 5.000 kỹ sư làm việc trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, tập trung tại TPHCM (74%), Hà Nội (10%), Đà Nẵng (8%).

Số này chỉ đáp ứng 20% nhu cầu nhân lực, Việt Nam cần thêm 50.000 lao động trình độ cao từ nay tới năm 2030, trong đó số lượng kỹ sư về thiết kế vi mạch cần thêm 12.000 - 15.000 kỹ sư.

Cộng đồng Vi mạch Việt Nam cho biết, trung bình lương sau thuế trong năm đầu đi làm của kỹ sư thiết kế chip là gần 220 triệu đồng, sau tăng dần. Với 5 năm kinh nghiệm, người làm công việc này có thu nhập trên 330 triệu đồng một năm. Con số này tăng dần lên hơn 800 và 1,3 tỷ đồng nếu có 15-20 năm kinh nghiệm.