Chờ...

Từ vụ bé trai bị điện giật tử vong, cần lưu ý những cách để con học trực tuyến an toàn

(VOH) – Sự việc bé trai 9 tuổi ở Hà Nội tử vong vì chọc kéo vào ổ điện khi đang học trực tuyến dấy lên lo ngại cho nhiều phụ huynh. Những cách sau đây để giúp con học trực tuyến an toàn trong mùa dịch

Nguyên tắc an toàn điện cho trẻ khi học trực tuyến

Điện giật là một tai nạn sinh hoạt có thể gặp rất phổ biến ở trẻ em do bản tính của trẻ hiếu động và hay tò mò. Tùy từng lứa tuổi, nhưng từ khi trẻ có nhận thức người lớn bắt đầu hướng dẫn trẻ những nguyên tắc an toàn điện cơ bản phù hợp.

Với những trẻ nhỏ khi cần cắm điện hoặc bật công tắc để sử dụng phải dạy trẻ nhờ người lớn giúp đỡ, tuyệt đối không được đụng vào các thiết bị điện trong nhà. Không được chọc bất cứ dụng cụ gì vào ổ cắm điện, đặc biệt là khi tay ướt. Trẻ trên 10 tuổi có thể tự làm những việc này nhưng dạy trẻ khi tự cắm điện/bật công tắc điện cần giữ tay thật khô và đi dép nhựa, không được đi gần một dây điện bị đứt…

học trực tuyến, điện giật tử vong, học trực tuyến an toàn, ngày 10 tháng 9 năm 2021
Cha mẹ sắp xếp để trẻ nhỏ không phải học trực tuyến một mình, tránh xa thiết bị điện. Ảnh minh họa: PN

Nhà có trẻ em cần thiết kế các ổ điện âm tường, ổ điện ngoài tầm với của các bé, nếu các ổ điện trong tầm với cần sử dụng các nắp che ổ điện để ngăn bé chọc tay vào. Thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, thay thế các thiết bị đã bị cũ hỏng để đảm bảo các thiết bị điện an toàn, không bị rò rỉ, hở, mát.

Thời điểm này, các bé bắt đầu tiếp cận với học trực tuyến do ảnh hưởng của COVID-19. Thời gian đầu bỡ ngỡ, các bé đang ở tuổi tò mò, nên tốt nhất cha mẹ cần sắp xếp học cùng với bé hoặc ngồi làm việc cạnh bé để hỗ trợ khi cần, sắp xếp nơi học an toàn. Hạn chế để các bé học trên laptop đang cắm ổ điện. Có thể kết nối điện thoại, laptop phát lên tivi qua dây cắm/chế độ phát của máy để an toàn hơn, trẻ cũng nhìn rõ hơn trên màn hình lớn hơn.

Tìm hiểu và sử dụng các thiết bị chống giật điện hiệu quả.

Giữ bé an toàn trước không gian mạng

Việc cha mẹ cố gắng sắp xếp học cùng con, nhất là với những bé chưa tiếp xúc nhiều với không gian mạng hết sức quan trọng. Nếu không bé có thể “lợi dụng” thời gian học trực tuyến để dạo chơi trên mạng internet, tiếp cận các thông tin không phù hợp. Cha mẹ hãy cập nhật các hệ điều hành, phần mềm, trình duyệt web, ứng dụng và phần mềm chống virus mới nhất trên thiết bị kết nối Internet mà bé sử dụng. Việc cập nhật thường xuyên có thể giúp bảo vệ trẻ em khỏi phần mềm độc hại và các mối đe dọa trực tuyến. Một cách dễ dàng để thực hiện việc này là tự động hóa tất cả các bản cập nhật phần mềm để các chương trình tự động kết nối và cập nhật nhằm bảo vệ khỏi những rủi ro tiềm ẩn.

Với trẻ lớn hơn cha mẹ không ngồi cạnh bên, cha mẹ cần thường xuyên trao đổi với giáo viên để nắm được việc con học trực tuyến như thế nào, mức độ tập trung và hoàn thành bài tập ra sao.

Hạn chế tác hại do tiếp xúc lâu với thiết bị công nghệ

Không phải gia đình nào cũng có điều kiện có laptop, máy tính bàn hay máy tính bảng cho bé học. Nhưng việc bé phải “căng mắt” nhìn màn hình di động đầy rẫy chữ trên các slide powerpoint thầy cô trình chiếu là hết sức khó khăn. Có phụ huynh than phiền cô giáo cho con trai chị học lớp 3 đọc đoạn văn, nhưng màn hình điện thoại nhỏ khiến bé đọc bị “nhảy dòng”, khó lưu loát. Việc này lâu dài sẽ hại mắt bé vì chữ trên màn hình luôn nhấp nháy không có sự chính xác hoàn toàn, sự tương phản của chữ trên màn hình cũng khác biệt, khiến mắt phải điều tiết liên tục để nhìn rõ chữ. Cha mẹ cần hướng dẫn bé giảm thiểu những tác hại này qua việc hướng dẫn bé cho mắt nghỉ ngơi hợp lý giữa các quãng thời gian học tập. Cứ 15 -20 phút nên cho mắt nghỉ ngơi một chút bằng cách nhắm mắt trong vài giây hoặc nhìn ra khoảng xa rời khỏi màn hình. Phụ huynh nên thiết kế khu vực học tập cho trẻ phù hợp, cung cấp đủ ánh sáng, nên để nguồn sáng từ sau lưng chiếu đến. Nếu sử dụng tai nghe cũng nên chọn tai nghe chụp trọn vẹn tai tốt hơn là loại nhét vào tai, và cha mẹ cần kiểm tra độ lớn âm thanh ở mức vừa phải.

Không gian bé học trực tuyến cần gọn gàng, sạch sẽ, không để các vật sắc nhọn, các vật có thể gây nguy hại cho sức khỏe vì bé có thể táy máy trong lúc học.

Nếu bé đang có vấn đề về sức khỏe không phù hợp tiếp xúc lâu với các thiết bị công nghệ (chẳng hạn bé bị TICs...), hãy trao đổi với bác sĩ và giáo viên về việc này.

Thường xuyên trò chuyện với con để biết các vấn đề con gặp phải khi học trực tuyến, từ đó trao đổi với giáo viên để tìm giải pháp phù hợp nhất.

Sáng 10/9, tại phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) xảy ra vụ việc một nam học sinh bị điện giật chết khi đang học trực tuyến. Bé trai tên 9 tuổi khi ngồi học trực tuyến cùng bố thì người bố có việc ra ngoài. Bé sau đó lấy chiếc kéo chọc vào ổ điện và không may bị điện giật tử vong thương tâm.