Cách phân biệt dải phân cách di động và cố định chính xác nhất

(VOH) – Dải phân cách sử dụng trong giao thông đường bộ được quy định như thế nào? Có mấy loại dải phân cách? 

1. Dải phân cách đường bộ là gì? 

1.1 Khái niệm dải phân cách

Dải phân cách là bộ phận của đường mà xe không chạy trên đó được, dùng để phân chia phần đường xe chạy thành hai chiều riêng biệt hoặc để phân chia phần đường của xe cơ giới và xe thô sơ hoặc của nhiều loại xe khác nhau trên cùng một chiều giao thông.

Dải phân cách gồm loại là cố định và loại di động.

1.2 Dải phân cách giữa

Khi dải phân cách đặt ở tim đường và sử dụng để phân chia giữa hai chiều xe chạy thì gọi là dải phân cách giữa.

Phân biệt dải phân cách di động và cố định ảnh 1

1.3 Dải phân cách bên

Khi dải phân cách sử dụng để phân chia phần đường chính và phần đường bên hoặc phân chia giữa phần đường xe cơ giới và xe thô sơ hoặc của nhiều loại phương tiện khác nhau trên cùng một chiều giao thông thì gọi là dải phân cách bên. 

1.4 Dải phân cách mềm

Dải phân cách mềm có tính cơ động cao, nhẹ nhàng, chất liệu bằng nhựa dễ di chuyển tại các địa điểm khác nhau, lắp đặt nhanh chóng và dễ dàng. Thích hợp với mọi mặt đường hiểm trở, không ảnh hưởng tới mặt đường.

Ngoài ra, tại những địa điểm có dải phân cách mềm, lực lượng chức năng còn gắn biển báo về giao thông như: cấm dừng, đỗ xe hoặc biển cấm dừng, đỗ xe theo giờ.

Xem thêmTài xế cần biết danh mục hàng hóa nguy hiểm gồm những loại này để lưu ý khi vận chuyển

2. Có mấy loại dải phân cách

2.1 Dải phân cách cố định

Dải phân cách cố định hay còn gọi là dải phân cách cứng: là dải phân cách có vị trí cố định trên phần đường xe chạy. Dải phân cách cố định gồm các loại cơ bản sau:

  • Dải phân cách dạng bó vỉa bên trong đổ đất trồng cây (đối với dải phân cách rộng), có thể sử dụng kết hợp với hộ lan tôn sóng nửa cứng hoặc mềm;
  • Dải phân cách có dạng một dải đất xen kẹp giữa các phần xe chạy, có dạng lõm xuống hoặc tận dụng điều kiện địa hình tự nhiên, có thể sử dụng kết hợp lan can phòng hộ nửa cứng hoặc mềm;
  • Dải phân cách sử dụng lan can phòng hộ cứng xây cố định trên mặt đường có chiều cao trong khoảng 0,3 m – 0,8 m, tối đa là 1,27m nếu có nhu cầu chắn sáng, độ rộng tùy theo mặt đường rộng hẹp để thiết kế và phải được gắn tiêu phản quang hoặc được sơn phản quang theo các quy định về bố trí tiêu phản quang và vạch kẻ đường (vạch đứng).
Phân biệt dải phân cách di động và cố định ảnh 2

2.2 Dải phân cách di động

Dải phân cách di động là các dải phân cách có thể di chuyển theo bề rộng trên mặt đường được tạo bởi các cột (cục) bê tông, nhựa composite bên trong có thể đổ cát hoặc nước cao từ 0,3 m – 0,8 m xếp liền nhau hoặc có các ống thép Ø40 – Ø50 xuyên qua tạo thành hệ thống lan can trên mặt đường.

Điều kiện đặt dải phân cách cố định và di động:

  • Dải phân cách cố định nên sử dụng khi đường có từ 4 làn xe trở lên để phân làn đường đi theo hai hướng riêng biệt.
  • Dải phân cách di động chỉ dùng ở những nơi mặt đường chỉ đủ 2 hay 3 làn xe, cần chia tạm thời hai chiều hoặc hai làn xe riêng biệt.
Phân biệt dải phân cách di động và cố định ảnh 3

Xem thêmNhận biết hiệu lệnh bằng tay và còi của người điều khiển giao thông

3. Mức xử phạt khi đi qua dải phân cách cố định giữa hai phần đường  

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định mức xử phạt như sau: 

Điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường, làn đường quy định (làn cùng chiều hoặc làn ngược chiều); điều khiển xe đi qua dải phân cách cố định ở giữa hai phần đường xe chạy; điều khiển xe đi trên hè phố, trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà;

  • Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện).
  • Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô. Ngoài ra, sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
Bình luận