Cắt giảm văn bằng chứng chỉ, giảm áp lực để tăng hiệu quả

(VOH) - Trước tình hình dịch Covid-19 phức tạp, nhất là khi Thành phố thực hiện giãn cách xã hội để tập trung dập dịch, nói thiệt tình là Hội anh em bàn trà của Hai Sài Gòn buồn hết cỡ.

Mấy chiến hữu già lâu không gặp nhau bàn chuyện đông tây kim cổ, chuyện thời sự phố phường nên ai cũng thấy bứt rứt quá xá. May mà, mấy đứa nhỏ trong nhà rành công nghệ, bày cho cách họp mặt trực tuyến, bàn chuyện on-lai, chỉ cần cái điện thoại thông minh có kết nối là nguyên hội xôm tụ liền. Loay hoay một hồi thì cũng kết nối ngon lành, “như chưa hề có cuộc cách ly”.

cát giảm văn bằng
Ảnh minh họa

Ba thợ hồ hí hửng cười khà khà: “Ta nói thời buổi công nghệ có khác, phải đổi mới sáng tạo chứ nhiều khi “cổ lỗ sỉ” quá cũng mệt nha mấy anh. Không có vụ trực tiếp trực tuyến này là mấy anh em mình muốn tụ hội cũng khó, chờ kiểm soát dịch, đảm bảo an toàn mới được”.

Tư hưu trí đáp vô liền: “Bây giờ an toàn, khỏe mạnh là trên hết chứ sao”. Thảo luận một hồi tình hình dịch giã, động viên nhau yên tâm ở nhà, tuân thủ 5K góp phần chống dịch, Tư hưu trí mới khơi chuyện Bộ Nội vụ vừa ban hành Thông tư 02 quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức văn thư. “Tui thấy cái này hay quá mấy anh, từ ngày 1/8/2021, chính thức bãi bỏ tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ về chứng chỉ ngoại ngữ và chứng chỉ tin học của công chức chuyên ngành hành chính, công chức chuyên ngành văn thư. Như vậy, tất cả ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư không còn cần chứng chỉ ngoại ngữ, tin học”.

Ba thợ hồ cà khịa ông bạn già: cắt giảm mấy cái này có lợi gì mà thấy anh Tư phấn khởi vậy ha? Tư hưu trí tiếp liền: “Gì chứ giảm mấy thứ rườm rà, không phù hợp vầy là tui ủng hộ. Nói gì nói, yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học có thể xem là điển hình về bệnh hình thức tồn tại nhiều năm liền trong nền hành chính công vụ. Tui ví dụ vầy nè, chứng chỉ này kia bày vẽ thì nhiều, nhưng nói thiệt ra ai không thấy là chất lượng công chức, viên chức chưa tương đồng. Chứng chỉ ngoại ngữ, tin học thì công chức viên chức nào cũng có, mà đâu phải ai sử dụng máy tính máy tính cũng thành thạo, lóng nga lóng ngóng nữa là khác. Còn ngoại ngữ thì giao tiếp cũng thua luôn. Mà từ trước đến nay, các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học hầu như đang được dùng làm điều kiện để thi tuyển, nâng ngạch, thăng hạng công chức, viên chức. Có điều, không phải vị trí việc làm nào cũng yêu cầu sử dụng năng lực ngoại ngữ, tin học. Nếu công việc buộc phải dùng thì sẽ có tiêu chí để thi tuyển, tuyển dụng chứ không quy định ra chứng chỉ. Ta nói, bất cập nhiều lắm”.

Ba thợ hồ gật đầu: hèn gì người ta so sánh những chứng chỉ này như "giấy phép con", làm cho quá trình thực thi công vụ của công chức, viên chức thêm nặng nề, áp lực. Mà tui nghĩ chắc cũng nhiều hệ lụy phát sinh từ đó nè, yêu cầu ai cũng có chứng chỉ này kia, dù không thật sự cần thiết, phát sinh chuyện không tự học mà mua bán, “chạy chọt” đủ kiểu cho coi.

Tư hưu trí chỉ ra liền: “Thì đó. Những chứng chỉ bày vẽ ra cho có, không cần thiết, không thực chất thì bỏ đi là phải, bớt lãng phí, tiêu cực xã hội. Nếu tính chất công việc yêu cầu phải có thì họ sẽ tự học tập để có năng lực, hoặc khi tuyển dụng phải chọn được những nhân sự giỏi kỹ năng, giỏi chuyên môn một cách thực chất. Theo lãnh đạo Bộ Nội vụ, việc cắt giảm này cũng giảm bớt áp lực, sức ì cho quá trình vận hành bộ máy, để công chức, viên chức có năng lực có cơ hội thăng tiến tốt hơn. Từ đó tạo ra sự thông thoáng trong thực hiện các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, quan hệ nhà nước với người dân...”

Thấy hai ông bạn đàm luận hăng hái, Hai Sài Gòn cũng hào hứng góp chuyện: “Trước đó, Bộ Nội vụ đã đề xuất tới Thủ tướng về việc bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học của nhiều ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức. Hồi nãy Anh Tư nói chí lý. Việc nâng chất lượng công chức, viên chức nói đi nói lại nhiều rồi, là bài toán khó chứ không đơn giản. Cắt giảm văn bằng chứng chỉ, giảm áp lực cho đội ngũ công chức, viên chức để tăng hiệu quả công việc, hướng tới việc bỏ những quy định mang tính hình thức, thủ tục và gây tốn kém cho xã hội. Chứ cắt giảm một số loại chứng chỉ không đồng nghĩa với việc giảm yêu cầu về nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ. Cần phải quan tâm đúng mức về phẩm chất, thực chất hiệu quả công việc, năng lực thực thi nhiệm vụ của đội ngũ công chức, viên chức, thay vì chỉ quan tâm đến các chứng chỉ, mà không phải cái nào cũng cần thiết”.