Chuyện phố phường: Phải vậy thôi!

(VOH) - Thưa bà con! Khác với mọi khi, sáng nay Tư hưu trí với vẻ mặt đăm chiêu, vừa nhấp ngụm cà phê, vừa lắc đầu chép miệng than: “Nếu là tui thì đừng hòng”.

Hai Sài Gòn ngồi kế bên nhíu mày, lên tiếng: “Ai dám làm gì ông mà ông ngồi ông trách móc?”.

Nghe cái giọng móc họng của bạn già chọc tức, Tư hưu trí bèn hỏi: “Nè, nếu anh là người đi chấm thi, trước khi vào phòng thi, người ta cầm máy rà soát quanh người ông để kiểm tra… anh có cảm thấy bị xúc phạm không?”.

Hai Sài Gòn đáp lời: “À thì ra anh Tư bức xúc khi nhìn thấy hình ảnh công an rà soát giáo viên chấm thi ở Sơn La vừa rồi chứ gì? Tui thì… cũng bức xúc, nhưng chắc không nóng như anh Tư! Tánh người đâu ai giống ai, anh Tư cảm thấy bị xúc phạm, nhưng người khác thì coi như đó là chuyện bình thường! Mà hỏng lẽ người ta bỏ về không chấm thi có khi bị kỷ luật, bị mất việc sao ông?”

“Anh Hai nghĩ sao? Tui thấy phẩm chất của nhà giáo thời buổi này bị khinh thường quá!” – Tư hưu trí “độp” lại liền.

Nghe nội dung tại đây.  

Các thí sinh trong kỳ thi THPTQG. Ảnh minh họa. 

Các thí sinh trong kỳ thi THPTQG. Ảnh minh họa. 

Hai Sài Gòn trầm ngâm nói: “Không có lửa sao có khói! Thiệt tình mà nói thời buổi này thầy cô giáo đã không còn được “tôn sư trọng đạo”… bởi có một thời, vào mùa tuyển sinh như là mùa trẩy hội. Không phải vì thí sinh kéo về thành phố đông đúc mà vì đó là mùa quý thầy cô hái lộc. Người đi coi thi chỉ còn có mỗi nhiệm vụ là… canh chừng cho thí sinh được gửi gắm chép tài liệu. Đủ các hình thức: làm dấu trên bài làm, viết dòng chữ đầu tiên để nhận dạng, kể cả sự táo tợn mua bán phách! Gà gửi gắm của phụ huynh đó phải là gà vàng, gà kim cương được trao đổi… Sau mùa tuyển sinh, không ít thầy cô giàu lên, có vụ đổi bằng cả nhà đất. Bởi vậy thiên hạ hay bàn tán rằng: “Giáo viên thời đại này giỏi buôn gà hơn dạy học”. Tui không có ý quơ đũa cả nắm nhưng sự thật là cả nắm đũa đã bẩn, mà tìm ra vài chiếc sạch không phải dễ…”. Mấy cái vụ sửa điểm gian lận ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình… vừa rồi đổ bể, giờ đây gây ra hệ quả xấu cho ngành giáo dục… Để ngăn ngừa, hạn chế gian lận trong thi cử, nên mới có chuyện công an khám xét giáo viên trước khi vào phòng chấm thi?!

Ngắt ngang lời của Hai Sài Gòn, Tư hưu trí bực bội nói: “Qua chuyện sửa điểm gian lận ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, là do bàn tay nhớp nháp, là do lòng tham của quan chức. Không lẽ, chỉ vì ba cái vụ đó mà rà soát, truy xét ở thầy cô giáo, tui thấy như vậy là quá đáng?!”

Ba Thợ hồ nãy giờ ngồi lặng thinh đột nhiên “mở máy” phát đài: “Con sâu làm sầu nồi canh” cho nên mới có chuyện rà soát giáo viên chấm thi. Chuyện gian lận nâng sửa điểm thi là vết nhơ của ngành giáo dục, tui nghĩ rằng những “cán bộ biến chất”, “cán bộ lãnh đạo thiếu trách nhiệm”, “phụ huynh gian dối”… trong vụ nâng sửa điểm rồi đây cũng sẽ phải chịu sự trừng trị của pháp luật, phải vậy thôi!”

Hớp ngụm cà phê mà sao cảm thấy đăng đắng hơn mọi khi, Hai Sài Gòn chắc lưỡi lặp lại: “Phải vậy thôi! Tui thấy anh Ba nói gỏn lọn ba từ “phải vậy thôi” nghe đắng chát nhưng mà chính xác! Nói đâu xa, kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2019 vừa có kết quả cho thấy Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình “đội sổ” ở hầu hết các môn thi. Một điều “bất thường” từ tổng điểm bình quân cao chót vót tuột xuống đáy chỉ sau một năm, giờ ai đón nhận tin này cũng coi là “bình thường”. Vậy thì chuyện các cán bộ lên khu vực chấm thi phải được cán bộ an ninh quét các thiết bị điện tử nên được coi là đúng hay sai? Nên ủng hộ hay không ủng hộ?”.

Lời của Hai Sài Gòn khiến hội cà phê vỉa hè buổi sáng bỗng trầm ngâm lạ. Chỉ có “người mở đầu” cuộc thảo luận là Tư Hưu trí thì lắc đầu: “Có lẽ, phải vậy thôi!”.

Làn đường riêng cho xe buýt - nên hay không? -  Mọi công dân ở Thành phố mình ai cũng mong muốn đường xá thông thoáng. ai cũng muốn đi xe buýt cho an toàn, không ai muốn đi xe gắn máy, nhưng tính khả thi của đề xuất nầy thế nào?
Rút kinh nghiệm - rút mãi không hết - “Sao lạ vậy, đám cưới con người ta, người ta làm thế nào thì làm mắc mớ gì mấy anh ý kiến ý cò”?