Làn đường riêng cho xe buýt - nên hay không?

(VOH) -  Mọi công dân ở Thành phố mình ai cũng mong muốn đường xá thông thoáng. ai cũng muốn đi xe buýt cho an toàn, không ai muốn đi xe gắn máy, nhưng tính khả thi của đề xuất nầy thế nào?

Trong lúc đàm đạo chuyện thời sự, anh em bàn tán chuyện Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố đầu tư 250 tỷ đồng ngân sách xây 34 cổng thu phí xe hơi vào khu vực trung tâm. Khuyến khích xử dụng vận tải hành khách công cộng, giảm ô nhiễm môi trường, đồng thời tăng nguồn thu bổ sung vào ngân sách để bảo trì đường bộ và phát triển giao thông công cộng.

Ba thợ hồ cho là mọi công dân ở Thành phố mình ai cũng mong muốn đường xá thông thoáng, ai cũng muốn đi xe buýt cho an toàn, không ai muốn đi xe gắn máy, nhưng tính khả thi của đề xuất nầy thế nào?

Làn đường riêng cho xe buýt - nên hay không

Làn đường riêng cho xe buýt - nên hay không? Hình minh họa.

Tư hưu trí hỏi Hai Sài Gòn “đầu tư 250 tỷ xây cổng thu phí xe hơi vào trung tâm Thành phố hay mới đây Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng rồi dính theo Hội đồng Tư vấn giao thông đô thị thành phố Hồ Chí Minh đề xuất chọn đường Điện Biên Phủ và Võ Thị Sáu để thí điểm tổ chức làn đường riêng cho xe buýt trong bối cảnh loại phương tiện này bị khách chê chạy chậm. Mấy anh nghỉ xem 2 đề xuất nầy liệu khả thi hay không? Tại sao tui nói như thế vì 2 đề xuất nầy không có gì mới, hiện đại, mang tính đột phá gì hết mà đã có từ năm 2017 rồi, nhưng bị dư luận phản ứng, giờ thì “tắt đèn làm lại”

Hai Sài Gòn cho biết thông tin mà anh có được thì dù đã được nghiên cứu từ lâu, nhưng đề xuất lập vành đai thu phí với xe ô tô vào khu vực trung tâm vẫn loay hoay chưa thuyết phục các chuyên gia giao thông. Còn làn đường ưu tiên cho xe buýt thì  Trung tâm Quản lý giao thông nói không giống với hệ thống BRT ở Hà Nội nên không tốn chi phí đầu tư, chủ yếu là tổ chức lại giao thông để giúp xe buýt di chuyển nhanh hơn. Ông Lê Trung Tính, nguyên Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh lý giải, việc bố trí đường dành riêng cho xe buýt ở những tuyến đường có mật độ giao thông cao, hay xảy ra ùn tắc nhất thì người dân mới thấy ngay được hiệu quả trong việc tăng tốc độ di chuyển của xe buýt. Từ đó góp phần thúc đẩy họ sử dụng xe buýt nhiều hơn. Hai đường song song Điện Biên Phủ và Võ Thị Sáu đáp ứng những yêu cầu này và chọn thí điểm là hoàn toàn hợp lý. Ông khẳng định: “Vận tải công cộng bằng xe buýt chỉ phát triển khi xe buýt được ưu tiên một tuyến đường dành riêng”. Lộ trình của đè án nầy là  tiếp tục lấy ý kiến của các chuyên gia và người dân để hoàn chỉnh đề án, trình cấp có thẩm quyền trong tháng 8. Nếu được thông qua, Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh sẽ áp dụng ngay trong năm 2019.”

Tư hưu trí cho là đó chẳng qua là ý muốn  chủ quan của Trung tâm quản lý Giao thông công cộng. Tui hỏi mấy anh Hà Nội đã làm, mà vì sao không thành công? Vì không tính toán kỹ, đường cho xe buýt mà không có xe buýt chạy, xe máy thì quá nhiều. Chỉ kẻ vạch phân cách thì dân lấn qua ngay. Trong khi đó, ý thức sử dụng phương tiện giao thông công cộng của dân ta còn yếu nên đưa đề án ra phản biện khoa học, phản biện xã hội để làm sao có được phương án tối ưu thì mới mong khả thi.

Tư hưu trí dẫn chứngchuyên gia giao thông Phạm Sanh lại cho rằng, việc chọn thí điểm trên hai tuyến đường huyết mạch này của Thành phố là không tưởng, khó thành công. Mật độ phương tiện giao thông trên hai tuyến đường này là quá lớn. Nếu bỏ ra 2 - 3 mét đường dành riêng cho xe buýt sẽ khiến tình trạng ách tắc giao thông càng trở nên nặng nề hơn. Ông chủ đề án cho là sẽ nghiêm cấm các loại xe vào  làn đường dành cho xe buýt. Lại chủ quan, duy ý chí, chắc phải phân công lực lượng chức năng đứng từ đầu đường đến cuối đường để ngăn cản xe máy, xe hơi chạy vào quá. Tui hỏi mấy anh khi cần xử lý các phương tiện cố tình lấn làn thì cũng gây nên tình trạng kẹt xe cục bộ. Do đó  muốn làm đường dành riêng cho xe buýt chỉ có cách phải mở rộng thêm đường. Mà hai con đường này toàn khu đất vàng, là văn phòng, nhà ở ngay sát mặt đường, làm sao mở rộng thêm được”

Hai Sài Gòn nói nhiều ý kiến kiến nghị Thành phố cân nhắc đề án nầy. Anh dẫn lời Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng cho rằng làm đường riêng cho xe buýt thì phải tính chuyện làm rào chắn kiên cố, nếu không sẽ lại xảy ra tình trạng xe máy lấn sang như tuyến đường Trần Hưng Đạo trước đây. Nếu chọn hai con đường này làm thí điểm đầu tiên thì phương án khả thi nhất là nhanh chóng xây dựng hệ thống cầu vượt trên không dành riêng cho xe công cộng, vừa giảm thiểu lượng xe dưới lòng đường, vừa giải quyết vấn đề trạm đón, trả khách. Thành phố nên có tính toán để cân nhắc bài toán kinh tế giữa việc đầu tư xây dựng đường trên cao với việc bỏ quá nhiều chi phí đền bù mở rộng lòng đường mà hiệu quả lại không cao”

Hai Sài Gòn tóm lại “Mấu chốt cho giao thông Thành phố là xây dựng đường trên cao. Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh thì  hơn 1 thập niên từ ngày được phê duyệt quy hoạch, đến nay Thành phố vẫn chưa có tuyến đường trên cao nào. Hầu hết dự án đường trên cao đều đòi hỏi vốn lớn, mỗi dự án đều trên 10.000 tỉ đồng, chưa kể giải phóng mặt bằng…

Trong khi đó, việc thu phí xe lưu thông chỉ đủ khoảng 20% so với tổng vốn đầu tư nên nhiều nhà đầu tư e ngại. Do đó theo tui, Thành phố mình phải biết sử dụng kinh phí, từ kinh phí của Thành phố, của Trung ương thậm chí ODA nữa, chứ cứ kêu khó khăn kinh phí thì tới khi nào mạng lưới giao thông thành phố mới thông thoáng được.

Bình luận