Rút kinh nghiệm - rút mãi không hết

(VOH) - “Sao lạ vậy, đám cưới con người ta, người ta làm thế nào thì làm mắc mớ gì mấy anh ý kiến ý cò”?

Vừa nhâm nhi trà quạu, Tư hưu trí vừa thông tin “Vụ bà Hồ Thị Cẩm Đào, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng tổ chức đám cưới cho con trai hoành tráng nhứt tỉnh, nhiều bà con trong đó có nhiều cụ ông, cụ bà cao niên đều cho là chưa từng có ở xứ Sóc Trăng này”.

Ba thợ hồ thắc mắc “Sao lạ vậy, đám cưới con người ta, người ta làm thế nào thì làm mắc mớ gì mấy anh ý kiến ý cò”.

Hôn lễ con trai bà Hồ Thị Cẩm Đào tổ chức lúc 16h ngày 21/7/2019 tại nhà hàng Hải Tượng (khu đô thị 5A, TP Sóc Trăng)

Hôn lễ con trai bà Hồ Thị Cẩm Đào tổ chức lúc 16h ngày 21/7/2019 tại nhà hàng Hải Tượng (khu đô thị 5A, TP Sóc Trăng). Ảnh: internet

Hai Sài Gòn giải thích cho Ba thợ hồ “Nếu bà Đào đó là người dân, là tiểu thương, thậm chí là doanh nghiệp tư nhân thì khả năng của họ thế nào tổ chức thế nấy, nhưng làm cỡ nào cũng cần ngó qua ngó lại cảnh sống của bà con lao động mình, không nên lãng phí thái quá. Đằng này, bà Hồ Thị Cẩm Đào là quan chức lãnh đạo cao cấp của tỉnh Sóc Trăng. Quy định của Đảng, của Tỉnh ủy Sóc Trăng đều chỉ rõ phải “cần kiệm liêm chính” phải làm gương cho người dân cho cán bộ cấp dưới. Mấy anh biết Bà Đào tổ chức đám cưới cho con thế nào không? Xin thưa theo giải trình của bà Đào gởi Tỉnh ủy Sóc Trăng thì tổ chức 4 lần tiệc trong 3 ngày đám cưới con trai. Cụ thể, tiệc rượu đầu tiên vào chiều 19/7 có Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng và những cán bộ chủ chốt dự. Chiều hôm sau 20/7, bà Đào tiếp tục mở tiệc tại tư gia ở khu dân cư Đại Thành huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng với 60 mâm. Trưa 21/7, tiệc thứ 3 tại nhà với hơn 400 thực khách. Chiều cùng ngày, tiếp tục mở tiệc tại nhà hàng Hải Tượng Thành phố Sóc Trăng với 80 mâm 800 người. Theo ước tính của bà con có gần 2.000 người đã đến dự tiệc với xe hơi biển số xanh đỏ trắng tùm lum hết.

Làm một ngụm trà quạu, Hai Sài Gòn nói tiếp “chuyện nổi đình nổi đám là trong giải trình của mình, bà Hồ Thị Cẩm Đào đã “nghiêm khắc rút kinh nghiệm về tiệc đám cưới cho con trai gây xôn xao dư luận”. Mới nghe tới đây Tư hưu trí cười ngất “lại thêm một vụ rút kinh nghiệm nữa. Lạ thiệt Luật Cán bộ, Công chức thể hiện rất rõ 4 hình thức xử lý kỷ luật gồm có: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc. Chẳng có hình thức nào mang tên “rút kinh nghiệm” và “rút kinh nghiệm sâu sắc” hết, có chăng chỉ là người ta tự vẽ vời cho nhau để chạy tội”.

Ba thợ hồ đồng tình với Tư hưu trí “Không biết tại sao cứ nghe có sai phạm là có rút kinh nghiệm, 2 sự kiện này có tương quan gì chăng?”. Tư hưu trí dẫn chứng bổ sung nhiều sai phạm được phát hiện ở dự án trên 300 triệu đô la Mỹ do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư, nhưng Giám đốc Ban Quản lý dự án chỉ phải rút kinh nghiệm, rồi tiếp tục được tái bổ nhiệm hay như công trình kè biển ở Bình Định có vốn đầu tư 80 tỷ đồng vừa sử dụng đã hư hỏng nặng, nhưng chủ đầu tư chỉ xử lý kiểm điểm rút kinh nghiệm rồi xin ngân sách khắc phục!

Hai Sài Gòn cho là “kể về cán bộ quản lý, lãnh đạo rút kinh nghiệm hay nghiêm khắc rút kinh nghiệm thì cũng dài như dây kinh nghiệm vậy, tức không bao giờ hết, không bao giờ dứt. Theo tui, rút kinh nghiệm là sự lấp liếm tiêu cực, thiết nghĩ, nhà nước cần có chế tài cụ thể, phải minh bạch hóa tội trạng và phương pháp xử lý sai phạm, chứ không thể tung hỏa mù “đội mũ rơm chữa nhà cháy” như hiện nay. Quá trình hơn 4 thập kỷ đổi mới đã là khoảng thời gian quá dài để chúng ta rút kinh nghiệm, bởi trong khi ta vẫn loay hoay trong mớ bòng bong “kinh nghiệm” thì hàng xóm láng giềng đã vượt mặt khi nào chẳng hay. Vì sao hơn 25 năm gia nhập ASEAN, Việt Nam vẫn còn nằm trong tốp những quốc gia kém phát triển nhất khu vực khi mà điều kiện về con người, địa chính trị, tài nguyên không thua kém bất kỳ nước nào. Sự nghiêm minh của luật pháp có ý nghĩa vô cùng quan trong sự phát triển của mỗi quốc gia, sai nặng xử nhẹ sẽ “lờn luật”, sai nhẹ xử nặng làm lòng người oán thán. Chỉ mong sao đúng người đúng tội. Theo tui trước mắt phải chấm dứt ngay tình trạng “rút kinh nghiệm hay nghiêm khắc rút kinh nghiệm” mà phải sai đúng thế nào xử lý ngay, không có “chập chờn” rút kinh nghiệm nữa. Bà con mình chỉ mong như vậy thôi”.

Bình luận