Điều này mới nghe qua thì quả là hợp tình, nhưng nếu nghĩ kỹ thêm một chút thì lại thấy… hợp lý. Lý do bởi vì đảm bảo hàng hóa lưu thông vừa để phục vụ nhu cầu của người dân, cũng như duy trì hoạt động, tăng trưởng kinh tế và thậm chí là hỗ trợ đắc lực cho công tác phòng dịch Covid-19.
Mọi người có lẽ đồng tình với nhận định của Hai Sài Gòn về công tác phòng chống dịch Covid-19 ở TPHCM nói riêng cùng cả nước nói chung những ngày qua được thực hiện hết sức khẩn trương, nghiêm ngặt ở mức cao nhất nhằm kiểm soát tình hình và bảo vệ sức khỏe từng cá nhân, hộ dân cũng như của cộng đồng.
Bất chấp nhiều khó khăn, trở ngại thì chủ trương, chính sách cùng hành động quyết liệt từ Chính phủ, Bộ ngành chức năng trong phòng chống dịch Covid-19 được người dân đồng tình ủng hộ… bởi giờ đây, ai cũng hiểu độ nguy hiểm của loại dịch bệnh này. Tuy vậy, nhiều quy định về giãn cách xã hội lại đang vô tình ảnh hưởng đến quá trình lưu thông hàng hóa, vốn mang ý nghĩa góp phần duy trì sản xuất cũng như phân phối hàng hóa kịp thời đến tay người dân.
Trong khi Ba thợ hồ nhấn mạnh dứt khoát phải làm sao vận chuyển, lưu thông hàng hóa cho bằng được, thì Tư hưu trí lại liên tục phân trần, giải thích rằng việc này không dễ thực hiện bởi nếu quy trình không chặt chẽ thì làm sao kiểm soát dịch bệnh, nhưng chặt quá thì trở ngại hàng hóa lưu thông, gây đình trệ, ảnh hưởng tới nhiều mặt kinh tế – xã hội như việc cung cấp hàng hóa thiết yếu cho các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội ở thời điểm hiện tại.
Nghe hai ông bạn già tranh cãi như vậy, thì Hai Sài Gòn tui buộc phải đồng tình với… cả hai luôn! Nói tóm lại là việc thúc đẩy lưu thông hàng hóa thuận lợi sẽ khó nhưng phải làm và phải làm cho thiệt tốt, thiệt hiệu quả!
Theo tin tức mà Hai Sài Gòn theo dõi sát sao những ngày qua, thì Bộ Công thương cho biết hàng hóa về cơ bản đã được lưu thông thuận lợi, ổn định nhưng vẫn còn hiện tượng tài xế gặp khó khăn khi lưu thông qua một số chốt kiểm dịch tại một số địa phương. Để giải quyết tình huống này, cơ quan chức năng đã vận dụng giải pháp mà Hai tui thấy rất ủng hộ là ứng dụng công nghệ thông tin bằng mã QR code do Bộ Giao thông vận tải cấp.
Thông qua mã này, các chốt kiểm soát chỉ cần dùng thiết bị quét mã hoặc thậm chí điện thoại thông minh có phần mềm quét mã QR code để kiểm tra được thông tin về tài xế và phương tiện vận chuyển. Tính đến tháng 09/2021 thì Bộ Giao thông – Vận tải đã cấp gần 458.000 xe cho các doanh nghiệp, và đồng thời lập nhiều số điện thoại đường dây nóng giải đáp hơn 200 cuộc điện thoại mỗi ngày từ các doanh nghiệp vận tải và lái xe về nội dung liên quan đến luồng xanh vận tải.
Tư hưu trí gật gù, bổ sung: Đó là tính riêng đường bộ, còn về đường thủy hiện đã nâng quy mô sản lượng vận chuyển trên 1.000 tấn chủ yếu từ các địa phương ở phía Nam tập trung về TPHCM.
Tới đây thì Ba thợ hồ vỗ đùi cái đét rồi nhấn mạnh: Thấy chưa, tui đã nói rồi, phải làm sao chở hàng về Thành phố cho bằng được để đáp ứng nhu cầu cho người dân chớ!
Ba thợ hồ nói không sai, tuy nhiên công tác thúc đẩy lưu thông hàng hóa không chỉ có ý nghĩa như vậy, mà còn góp phần đảm bảo thực hiện nhiệm vụ giữ vững sản xuất, duy trì hoạt động xuất khẩu và qua đó hướng tới tăng trưởng kinh tế.
Hai Sài Gòn tui cũng muốn lưu ý mọi người khái niệm “Thúc đẩy lưu thông hàng hóa” không đơn thuần là khâu vận chuyển mà còn về vấn đề phân phối, thị trường và xúc tiến thương mại.
Nói đến đây thì Tư hưu trí chợt nhớ ra điều gì bèn tiếp lời: Anh Hai nói đúng! Tui theo dõi tin tức thì biết được Chính phủ, Bộ ngành chức năng hiện đồng thời cũng chủ trương phát triển các sàn giao dịch thương mại điện tử nhằm tạo điều kiện cho người bán, thương nhân kinh doanh nông sản tham gia sàn. Song song đó là hàng loạt chương trình đào tạo kỹ năng và vận hành hoạt động kinh doanh trực tuyến, hay hỗ trợ và đẩy mạnh quảng bá sản phẩm nông sản trên các kênh thương mại điện tử.
Giờ tới lượt Hai tui gật gù: Chính xác đó anh Tư! Ý tui cũng muốn nói dù khó khăn thì Chính phủ vẫn chủ trương thực hiện mục tiêu kép. Muốn như vậy nên bất kỳ vấn đề nào liên quan đều có chính sách, quy trình tiêu chuẩn kép để phù hợp thực tiễn. Riêng trong vấn đề “thúc đẩy lưu thông hàng hóa” thì Bộ ngành chức năng trên hết vẫn tập trung vào các kịch bản cung ứng hàng hóa tương đương với các cấp độ của dịch bệnh để đảm bảo trong mọi tình huống, phải cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân cả nước, nhất là ở các địa phương có dịch và đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Hai tui vừa dứt lời thì hai ông bạn già đều đồng tình và nhắc lại lời Hai Sài Gòn vừa nói cách đây chưa lâu: Tóm lại là việc thúc đẩy lưu thông hàng hóa thuận lợi sẽ khó nhưng phải làm và phải làm cho thiệt tốt, thiệt hiệu quả!