Picture of the author
Picture of the author
SGK CD Toán 6»Hình Học Phẳng»Cách vẽ đường thẳng đi qua 2 điểm

Cách vẽ đường thẳng đi qua 2 điểm

Bài viết bao gồm khái niệm đơn giản và các ví dụ về đường thẳng; đường thẳng đi qua 2 điểm, cách vẽ đường thẳng đi qua 2 điểm và một số bài tập áp dụng.

Xem thêm

Như ta đã được biết về định nghĩa đường thẳng, một đường thẳng đi qua 2 điểm ở bài học trước. Hôm nay, VOH Giáo Dục sẽ trình bày cách để vẽ một đường thẳng đi qua 2 điểm. Cùng tìm câu trả lời trong bài học hôm nay nhé.


1. Thế nào là một đường thẳng?

Giống như tên gọi, đường thẳng là một đường, thẳng (có độ cong bằng 0) và không bị giới hạn về hai phía. Trong cuộc sống, ta thường xuyên bắt gặp các đường thẳng: dây điện trên đường là một đường thẳng, sợi dây căng ngang là một đường thẳng, mép bảng là một đường thẳng,...

Để vẽ một đường thẳng rất đơn giản, ta chỉ cần dùng bút vạch trên trang giấy theo cạnh của thước là ta đã có được một đường thẳng.

Thông thường người ta sử dụng những chữ cái viết thường như a, b, c,.. để đặt tên cho một đường thẳng.

Ví dụ:

duong-thang-va-duong-thang-di-qua-hai-diem 1

f và g là hai đường thẳng

duong-thang-va-duong-thang-di-qua-hai-diem 2

h và i là hai đường thẳng

» Xem thêm: Đường thẳng là gì? Đoạn thẳng là gì? Mối quan hệ giữa điểm, đường thẳng, đoạn thẳng

2. Cách vẽ đường thẳng đi qua 2 điểm

Để vẽ một đường thẳng đi qua 2 điểm ta làm như sau:

  • Bước 1: Vẽ 2 điểm trên mặt phẳng.
  • Bước 2: Dùng thước kẻ nối 2 điểm để tạo thành một đường thẳng

Lưu ý: Với 2 điểm bất kỳ, ta chỉ vẽ được một và chỉ một đường thẳng đi qua 2 điểm đó.

Ví dụ 1: Vẽ đường thẳng a đi qua 2 điểm A, B tùy ý

- Bước 1: Vẽ 2 điểm A, B trên mặt phẳng

duong-thang-va-duong-thang-di-qua-hai-diem 3

- Bước 2: Dùng thước kẻ nối 2 điểm A và B để tạo thành một đường thẳng, đặt tên cho đường thẳng là a.

duong-thang-va-duong-thang-di-qua-hai-diem 4

Ví dụ 2: Vẽ đường thẳng b đi qua 2 điểm C và D

- Bước 1: Vẽ 2 điểm C và D trên mặt phẳng

duong-thang-va-duong-thang-di-qua-hai-diem 5

- Bước 2: Dùng thước kẻ nối 2 điểm C và D để tạo thành đường thẳng, đặt tên đường thẳng là b.

duong-thang-va-duong-thang-di-qua-hai-diem 6

Cách đọc tên đường thẳng:

Trong ví dụ 1, ta có thể gọi tên đường thẳng bằng 3 cách: đường thẳng AB, đường thẳng BA hoặc đường thẳng a.

Tương tự, trong ví dụ 2: ta cũng có thể gọi tên đường thẳng bằng 3 cách: đường thẳng CD, đường thẳng DC hoặc đường thẳng b.

Nhận xét: Ta có thể gọi tên đường thẳng bằng tên được đặt bằng chữ cái viết thường a, b, c, ... hoặc gọi tên đường thẳng bằng cách đọc nối liền tên 2 điểm mà nó đi qua: AB, BA, CD, DC,...

» Xem thêm: Định nghĩa đường thẳng đi qua 2 điểm và bài tập ứng dụng

3. Bài tập liên quan đường thẳng và cách vẽ đường thẳng đi qua 2 điểm

Bài 1: Các mệnh đề sau đây đúng hay sai? Tại sao? Nếu sai hãy sửa lại cho đúng

a. Đường thẳng là đường có giới hạn

b. Mép thước kẻ là một đường thẳng

c. Chỉ có một điểm trên một đường thẳng

d. Sợi dây là một đường thẳng

e. Tên các đường thẳng thường được đặt bằng chữ cái viết thường

f. Với một điểm bất kỳ, ta vẽ được vô số đường thẳng đi qua điểm đó

g. Với 2 điểm bất kỳ, ta vẽ được vô số đường thẳng đi qua 2 điểm đó

h. Đường thẳng đi qua 2 điểm A và B được gọi là đường thẳng AB

i. Đường thẳng đi qua 2 điểm A và B được gọi là đường thẳng BA

ĐÁP ÁN

a.

Sai. Vì như đã nói ở phần 1: đường thẳng là đường không có giới hạn về hai phía.

Ta sửa lại như sau: đường thẳng là đường không có giới hạn về hai phía.

b.

Đúng. Vì khi dùng bút vạch theo mép thước, ta thu được một đường thẳng.

c.

Sai. Vì một đường thẳng được tạo ra từ vô số điểm.

Ta sửa lại như sau: có vô số điểm nằm trên một đường thẳng.

d.

Sai. Vì một sợi dây chưa chắc là một đường thẳng, sợi dây kéo căng mới là đường thẳng.

Ta sửa lại như sau: sợi dây kéo căng là một đường thẳng.

e.

Đúng. Thông thường tên các đường thẳng được đặt bằng chữ cái viết thường như a, b, c,...

f.

Đúng. Qua một điểm ta có thể vẽ vô số đường thẳng đi qua điểm đó.

g.

Sai. Vì như đã nói ở phần 2, qua hai điểm bất kỳ chỉ vẽ được một đường thẳng.

Ta sửa lại như sau: với hai điểm bất kỳ, ta chỉ vẽ được một đường thẳng đi qua hai điểm đó.

h. 

Đúng. Ta có thể gọi tên đường thẳng bằng cách đọc nối tên hai điểm mà nó đi qua.

i.

Đúng. Ta có thể gọi tên đường thẳng bằng cách đọc nối tên hai điểm mà nó đi qua.

  

Bài 2: Xem hình sau và cho biết các mệnh đề dưới đây đúng hay sai? Tại sao? Nếu sai hãy sửa lại cho đúng

duong-thang-va-duong-thang-di-qua-hai-diem 7

a. Trong hình có 6 đường thẳng: EG, GE, GF, FG, FE, EF

b. Đường thẳng EF và đường thẳng FE là một

c. Đường thẳng EF và đường thẳng f là hai đường thẳng phân biệt

d. Đường thẳng EG và đường thẳng GE là một

e. Đường thẳng EG và đường thẳng h là hai đường thẳng phân biệt

f. Đường thẳng GF và đường thẳng FG là một

g. Đường thẳng FG và đường thẳng g là hai đường thẳng phân biệt

h. Qua điểm G, ta chỉ vẽ được duy nhất một đường thẳng

i. Qua hai điểm G và F, ta chỉ vẽ được duy nhất một đường thẳng

ĐÁP ÁN

a.

Sai. Trong hình chỉ có 3 đường thẳng. GE, FG, EF chỉ là một cách gọi khác của các đường thẳng EG, GF, FE.

Ta sửa lại như sau:

Trong hình có 3 đường thẳng GE, FG, EF.

b.

Đúng. Vì như đã nói ở phần 2, ta có thể gọi tên đường thẳng đi qua hai điểm bằng cách đọc nối liền tên hai điểm đó (không phân biệt thứ tự).

c.

Sai. Vì như đã nói ở phần 2, đó chỉ là hai cách gọi khác nhau đối với một đường thẳng.

Ta sửa lại như sau: đường thẳng EF và đường thẳng f là một.

d.

Đúng. Vì như đã nói ở phần 2, ta có thể gọi tên đường thẳng đi qua hai điểm bằng cách đọc nối liền tên hai điểm đó (không phân biệt thứ tự).

e.

Sai. Vì như đã nói ở phần 2, đó chỉ là hai cách gọi khác nhau đối với một đường thẳng.

Ta sửa lại như sau: đường thẳng EG và đường thẳng h là một.

f.

Đúng. Vì như đã nói ở phần 2, ta có thể gọi tên đường thẳng đi qua hai điểm bằng cách đọc nối liền tên hai điểm đó (không phân biệt thứ tự).

g.

Sai. Vì như đã nói ở phần 2, đó chỉ là hai cách gọi khác nhau đối với một đường thẳng.

Ta sửa lại như sau: đường thẳng FG và đường thẳng g là một.

h.

Sai. Vì qua một điểm ta có thể vẽ vô số đường thẳng.

Ta sửa lại như sau: qua điểm G, ta có thể vẽ vô số đường thẳng.

i.

Đúng. Vì như đã nói ở phần 2, qua hai điểm bất kỳ, ta chỉ vẽ được duy nhất một đường thẳng.

  

Bài 3: Hãy chọn câu trả lời đúng

A. Đường thẳng là đường không có giới hạn hai phía

B. Đường thẳng đi qua hai điểm bất kỳ là duy nhất

C. Có vô số đường thẳng qua một điểm bất kỳ

D. Cả ba đáp án trên

ĐÁP ÁN

D. Cả ba đáp án trên  

Bài 4: Đường thẳng f đi qua hai điểm A và B có thể có bao nhiêu cách gọi tên

A. 1

B. 2

C. 3

D. 0

ĐÁP ÁN

C. 3  

Bài 5: Đường thẳng đi qua hai điểm A và B là

A. Đường thẳng nối liền hai điểm A và B

B. Đường thẳng chỉ chứa điểm A

C. Đường thẳng chỉ chứa điểm B

D. Tất cả đều sai

ĐÁP ÁN

A. Đường thẳng nối liền hai điểm A và B  

Vậy là chúng ta đã tìm hiểu xong về đường thẳng đi qua hai điểm và cách vẽ đường thẳng đi qua hai điểm. Hy vọng các kiến thức trong bài học này có thể giúp ích cho các bạn học sinh trong các bài học tiếp theo!


Chịu trách nhiệm nội dung: GV Nguyễn Thị Trang

Tác giả: Nhật Nhi

3 điểm thẳng hàng khi nào? Khái niệm & các dạng toán liên quan
Giao điểm là gì? Cách xác định giao điểm của 2 đường thẳng