Chờ...

Nhu cầu nhân lực cho các dự án đường sắt đô thị rất lớn

VOH - Lĩnh vực đường sắt đô thị hiện nay và trong thời gian tới cần rất nhiều nhân sự phục vụ xây dựng và vận hành khai thác. Do đó, đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực này cũng cần… tăng tốc.

TS. Lê Văn Vang - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM cho biết, TPHCM đã xây dựng được gần 20km đường sắt thuộc tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, trong khi mục tiêu đặt ra trong 12 năm nữa là hoàn thành gần 200km còn lại của hệ thống đường sắt đô thị.

Điều này cho thấy, khối lượng công việc rất lớn đang trực tiếp đặt lên vai các cán bộ quản lý, các đơn vị đào tạo nguồn nhân lực phục vụ xây dựng và vận hành hệ thống metro.

TS. Lê Văn Vang ước tính, riêng về nhân sự vận hành khai thác mỗi tuyến metro cần khoảng 600 nhân sự, trong khi đó toàn mạng lưới theo quy hoạch hiện nay có 11 tuyến.

Như vậy, cần khoảng gần 7.000 nhân sự các trình độ từ trung cấp, cao đẳng và đại học. Đối với lĩnh vực xây dựng và quản lý dự án, số lượng nhân sự thực hiện cũng cần một lượng tương đương như vậy.

metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên
Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã được chạy thử nhiều lần và dự kiến khai thác thương mại vào tháng 7-2024 - Ảnh: UTH

Liên quan đến nguồn nhân lực phục vụ mạng lưới giao thông đô thị, Trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM đã đón đầu đào tạo đa ngành từ xây dựng tới vận hành hệ thống metro.

TS. Lê Văn Vang cho biết, Trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM đã mở và đào tạo nhân sự trực tiếp liên quan tới xây dựng đường sắt-metro và xây dựng công trình giao thông đô thị thuộc ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông.

Trường đào tạo chuyên ngành này được 15 năm (từ năm 2008 đến 2023), cung cấp lực lượng kỹ sư cho việc thiết kế, xây dựng, quản lý dự án đường sắt đô thị của nước ta.

Các kỹ sư và cử nhân tốt nghiệp các ngành và chuyên ngành gần khác như xây dựng cầu đường bộ, quy hoạch và quản lý giao thông, quản lý xây dựng, kinh tế vận tải, hệ thống điện giao thông… hiện cũng tham gia vào quá trình xây dựng dự án metro và vận hành sau này.

Hệ thống metro là một tổ hợp gồm nhiều ngành nghề cấu thành: từ xây dựng, điện, điện điều khiển, hệ thống thông tin tín hiệu đến vận hành khai thác. Để đáp ứng được các công việc liên quan tới hệ thống này, trong quá trình đào tạo, trường đã trang bị cho sinh viên nhiều kiến thức và kỹ năng thực tiễn.

Sinh viên được trang bị vốn tiếng Anh giao tiếp, tiếng Anh chuyên ngành, các phần mềm trong lĩnh vực xây dựng và các kỹ năng về giao tiếp...

TS. Lê Văn Vang đánh giá, lĩnh vực đường sắt đô thị là lĩnh vực khá mới đối với Việt Nam, nên trong thời kỳ đầu phần lớn các công việc từ xây dựng tới vận hành khai thác sẽ là các đối tác nước ngoài đóng vai trò chủ đạo, nhân sự trong nước sẽ tham gia với vai trò học và chuyển giao công nghệ, do đó, ngoại ngữ chuyên ngành và kỹ năng giao tiếp là vô cùng quan trọng đối với nguồn nhân lực phục vụ hệ thống metro.

Việc trang bị các kiến thức chuyên môn tùy thuộc vào từng ngành sẽ có những đặc điểm riêng. Tuy nhiên, trong quá trình giảng dạy, Trường thường xuyên cập nhật bổ sung và điều chỉnh chương trình đào tạo theo góp ý từ các chuyên gia trong lĩnh vực đường sắt - metro, từ nhà tuyển dụng, cựu sinh viên và giảng viên dựa trên cơ sở khoa học, kinh nghiệm thực tiễn và đặc biệt từ nhu cầu xã hội.

Sinh viên chuyên ngành được thực tập tại Ban quản lý dự án đường sắt đô thị TPHCM (MAUR), các đơn vị tư vấn và xây lắp hệ thống metro, các dự án thực tế. Đặc biệt, Trường đang kết hợp cùng với Tập đoàn Đèo Cả để đào tạo nhân lực theo đơn đặt hàng trong lĩnh vực đường sắt đô thị của doanh nghiệp này.

TS. Lê Văn Vang so sánh, với quy mô dân số và diện tích tương đương như TPHCM, các đô thị lớn trên thế giới (như Thượng Hải, Moscow…) đã và đang vận hành từ 400 - 600 km đường sắt đô thị, và quy hoạch khoảng hơn 1.000 km đường sắt đô thị.

Vì vậy trong quy hoạch sắp tới của TPHCM, hệ thống đường sắt đô thị có thể được điều chỉnh tăng thêm lên trên 500 km - theo quy hoạch đến năm 2040 và tầm nhìn 2060.

Qua đó có thể thấy, lĩnh vực đường sắt đô thị sẽ cần rất nhiều nhân sự trong xây dựng và vận hành khai thác và Trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM vẫn định hướng đào tạo chủ lực giai đoạn đầu về xây dựng, song song đó sẽ mở thêm các ngành về vận hành khai thác hệ thống đường sắt trong thời gian tới. 

Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 (HURC1) đang tuyển nhiều vị trí việc làm mới cho tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, đặc biệt là 2 nhóm công việc vận hành và bảo dưỡng.

Trước mắt tuyến metro số 1 sẽ cần 377 nhân sự cho nhóm công việc vận hành, gồm 19 kỹ thuật viên điều khiển và giám sát chạy tàu, 58 lái tàu, 300 nhân sự nhà ga gồm quản lý, nhân viên bán vé, nhân viên an toàn.

Đối với khối bảo trì, bảo dưỡng, công ty có nhu cầu tuyển dụng khoảng 165 nhân sự để cử đi đào tạo và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ bảo trì, bảo dưỡng tuyến đường sắt đô thị số 1. Các vị trí tuyển dụng bao gồm: kỹ thuật đầu máy toa xe, đường ray, điện; giám sát hệ thống thông tin - tín hiệu, công trình, kiến trúc…