Sơ nét về chợ Ninh Hiệp
Chợ Nành Ninh Hiệp (Nguồn: Internet)
Chợ có tên gọi là chợ Nành - tên đầy đủ của chợ là Chợ Nành Ninh Hiệp. Mọi người hay gọi là Chợ Vải Ninh Hiệp bởi vì chợ được biết đến nhiều nhất với mặt hàng vải vóc và quần áo.
Lịch sử hình thành
Thời điểm thành lập chợ không được biết chính xác, chỉ biết là do sự phát triển của ngành trồng dâu nuôi tằm, kéo tơ dệt lụa tại những năm đầu thế kỉ thứ 11, 12 dẫn đến cần một nơi giao thương buôn bán vải vóc và chợ được hình thành trong khoảng thời gian này.
Chợ Ninh Hiệp ở đâu?
Chợ Ninh Hiệp cách trung tâm Hà Nội khoảng 12km đường chim bay và khoảng 15km đường bộ tại xã Ninh Hiệp huyện Gia Lâm Hà Nội xưa có tên gọi là làng Nành, thuộc huyện Ðông Ngàn, xứ Kinh Bắc.
Chợ Ninh Hiệp buôn bán những mặt hàng gì ?
Chợ Ninh Hiệp bán gì? (Nguồn: Internet)
Chợ Ninh Hiệp có khá nhiều mặt hàng đa dạng từ quần áo, vải vóc cho đến phụ kiện thời trang. Các mặt hàng của Chợ Ninh Hiệp được nhiều người biết đến bởi đây là chợ đầu mối nổi tiếng về vải vóc, và là một trong những đầu mối trung chuyển vải của Trung Quốc lớn nhất miền Bắc.
Kinh nghiệm đi chợ Ninh Hiệp
Bản đồ đến chợ Ninh Hiệp (Nguồn: Internet)
Cách đi đến chợ
-
Nếu đi xe máy: Cách thứ nhất, đi đường cầu Chương Dương, thẳng đường Nguyễn Văn Cừ thêm 4km rẽ phải đường Ninh Hiệp. Cách thứ hai, đi theo đường cầu Long Biên hoặc cầu Thanh Trì để qua Gia Lâm và hỏi đường đến cầu Đuống. Từ chỗ cầu Đuống đi thẳng qua trường cấp 3 Yên Viên sau đó tiếp tục hỏi đường đến chợ Ninh Hiệp. Xem hướng dẫn tại đây
-
Nếu đi xe bus: Hiện có 3 tuyến xe bus xuất phát từ Hà Nội và đi qua Ninh Hiệp là xe 10B, xe 54 và xe 65.
Thời gian: Chợ Ninh Hiệp mở cửa từ 7h đến 18h hằng ngày.
Hình thức thanh toán: Chợ Ninh Hiệp chủ yếu bán quần áo. Cách thức mua hàng ở nơi đây cũng không khác gì so với những chợ đầu mối khác. Bạn chọn hàng hóa, thỏa thuận giá cả, kiểm tra số lượng và chất lượng, khi thấy hài lòng rồi thì mới tiến hành thanh toán. Bạn có thể thanh toán bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản tùy vào 2 bên thỏa thuận.
Trang phục khi đi chợ Ninh Hiệp: Bạn nên chọn trang phục thoải mái, nên đi giày bệt vì chợ rất rộng, bạn sẽ phải đi bộ khá nhiều.
Địa điểm rút tiền: Ở chợ Ninh Hiệp có 2 cây ATM, 1 cây ở ngay cổng chợ Nành và cây còn lại nằm ở gần khu vui chơi trẻ em. Nên cẩn thận vì khu chợ khá đông đúc.
Cẩn thận mất cắp: Chợ Ninh Hiệp là chợ đầu mối vải vóc nên rất đông người buôn bán trao đổi hàng hóa dẫn đến tình trạng trộm cắp cũng phát sinh nhiều. Tốt nhất bạn không nên đeo trang sức đắt tiền, những đồ đạc, tư trang, điện thoại, ví tiền nên bảo quản cẩn thận.
Địa điểm tham quan gần Chợ Ninh Hiệp
Đền Trúc Lâm (Nguồn: Internet)
Khi đi chợ Ninh Hiệp bạn có thể kết hợp ghé thăm Đền Trúc Lâm và Chùa Nành gần đó.
- Đền Trúc Lâm là Đền có lịch sử xây dựng khá sớm, tư liệu chính xác nhất là tấm bia niên hiệu Cảnh Hưng 7 năm 1746 và sắc phong ở đền niên hiệu cảnh Hưng 1 năm 1740. Đền Trúc Lâm (còn có tên gọi khác là đền Cây Gạo) – là di tích liên quan mật thiết với chùa Linh Quang.
- Chùa Nành hay được gọi là chùa Pháp Vân nằm trong vùng đất cổ của vùng Kinh Bắc xưa, ngày nay thuộc huyện Gia Lâm, cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km về phía Bắc, truyền thuyết kể rằng đây là 1 trong 4 ngôi chùa thờ Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện) lớn nhất tại miền Bắc nước ta bao gồm: chùa Dâu (Bắc Ninh), chùa Keo (Thái Bình), chùa Đậu (Hà Nội) và chùa Nành. Chùa được xây dựng theo lối chữ "Công" bao gồm 100 gian, trước mặt có sân rộng và dài, đối diện là thủy đình để biểu diễn rối nước.
Nếu bạn đam mê kinh doanh vải vóc quần áo hoặc muốn khám phá những nét văn hóa truyền thống lâu đời của Việt Nam thì hãy dành thời gian ghé thăm chợ cổ Ninh Hiệp nhé!